Truyền thông Trung Đông dẫn tuyên bố của Đặc phái viên Lavrentiev nêu rõ Nga hy vọng có một giải pháp hòa bình đối với tình hình ở tỉnh Idlib, nơi mà lực lượng nổi dậy đang chiếm đóng.
Nhưng ông Lavrentiev tin rằng điều này phụ thuộc vào việc Thổ Nhĩ Kỳ phân loại lực lượng phiến quân Hồi giáo với lực lượng đối lập theo đường lối ôn hòa. Ông bày tỏ sự tin tưởng rằng quân đội Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể đàm phán về một lập trường có thể chấp nhận lẫn nhau về Idlib.
Phát biểu với báo giới sau cuộc thảo luận với Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura tại Geneva, ông Lavrentiev khẳng định các bên đều cho rằng tình hình ở Idlib nên được giải quyết một cách tốt nhất là bằng biện pháp hòa bình, có thể tránh sử dụng sức mạnh quân sự.
Hiện số phiến quân ở Idlib vẫn còn rất lớn và một số đối tượng đang sử dụng dân thường làm lá chắn sống. Ông Lavrentiev khẳng định sẽ tìm cách giảm thiểu thương vong cho dân thường trong trường hợp xảy ra giao tranh ở đây.
Trong diễn biến liên quan, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/9 đã kêu gọi quốc tế ủng hộ một lệnh ngừng bắn tại tỉnh Idlib, đồng thời cảnh báo trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) rằng một cuộc tấn công tổng lực nhằm vào tỉnh do quân nổi dậy nắm giữ tại Syria này sẽ châm ngòi cho một làn sóng người tị nạn khổng lồ và có thể đe dọa toàn châu Âu.
Trước đó, tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Tehran hôm 7/9, Nga và Iran đã khước từ lời kêu gọi ngừng bắn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Quân đội Syria đang chuẩn bị mở cuộc tấn công tổng lực giải phóng Idlib khỏi tay các phần tử khủng bố. Tỉnh này và các khu vực lân cận là "thành trì" lớn cuối cùng ở Syria hiện đang bị các lực lượng phiến quân chiếm đóng, nhưng đây cũng là nơi đang có khoảng 3 triệu dân thường sinh sống. Syria nhận được sự ủng hộ của Nga và Iran trong vấn đề này.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc và các tổ chức viện trợ nhân đạo lo ngại cuộc tổng tấn công vào Idlib có thể gây ra thảm họa nhân đạo quy mô lớn chưa từng có trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua ở Syria.