Phát biểu với các phóng viên khi được hỏi về thời gian phía Đức có thể cấp phép để bắt đầu cung cấp khí đốt, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Tất cả chúng tôi đều mong muốn điều này diễn ra càng sớm càng tốt".
Về thông tin Nga hoàn thành xây dựng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, Bộ trưởng Kinh tế Áo Margarete Schrambock ngày 10/9 khẳng định dự án này sẽ tăng cường an ninh nguồn cung năng lượng của châu Âu. Tập đoàn năng lượng OMV của Áo có tham gia đầu tư trong dự án này.
Phát biểu với hãng Sputnik, Bộ trưởng Schrambock nêu rõ: “Việc hoàn thành đường ống dẫn khí đốt ‘Dòng chảy phương Bắc 2’ ở biển Baltic sẽ tăng cường hơn nữa an ninh nguồn cung năng lượng cho châu Âu”. Bà nhấn mạnh “Dòng chảy phương Bắc 2” tăng cường sự tự chủ của châu Âu bởi nguồn cung năng lượng nên là một vấn đề nội bộ của các nước khu vực này. Theo Bộ trưởng Schrambock, Áo đã “ủng hộ dự án này ngay từ thời gian đầu” trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khí đốt nhập khẩu vào năm 2035.
Trong khi đó, Ukraine ngày 10/9 tuyên bố sẽ tiếp tục"chống lại" dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2”. Còn tại Ba Lan, người đứng đầu đảng đối lập lớn nhất nước này, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, cho rằng việc hoàn thành dự án tuyến đường ống dẫn khí đốt “ Dòng chảy phương Bắc 2” là sai lầm không thể tha thứ của Đức, đi ngược lại với lợi ích của cả EU, chưa nói tới Ba Lan hay Ukraine".
Các tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga xác nhận dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2" đã hoàn thành.
Tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” dài 1.230 km chạy từ Nga sang Đức dưới đáy biển Baltic với công suất 55 tỷ m3 khí mỗi năm. “Dòng chảy phương Bắc 2” trị giá 11 tỷ USD, cùng với tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc hiện nay đi qua biển Baltic, sẽ cho phép Nga vận chuyển khí đốt tới châu Âu mà không phải trung chuyển qua Ukraine, vốn là tiêu điểm căng thẳng trong quan hệ giữa Moskva và Washington.
Các đời chính quyền Mỹ gần đây đều đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các bên tham gia dự án này nhưng vẫn không ngăn cản được dự án hợp tác năng lượng này giữa Nga và Đức.