Trả lời phỏng vấn 3 đài truyền hình phát bằng tiếng Arab, phát ngày 13/10, ông Putin nói thêm rằng Nga cũng sẽ rút quân nếu Tổng thống Syria Bashar Al-Assad có yêu cầu. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh các nước nên tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Moskva đang có sự hiện diện quân sự tại Syria với một căn cứ không quân và một căn cứ hải quân.
Liên quan thông tin hàng trăm thân nhân các tay súng nước ngoài của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trốn khỏi một trại tị nạn ở Đông Bắc Syria, ngày 13/10, Pháp bày tỏ "lo ngại" về thông báo này của chính quyền tự trị người Kurd ở Syria.
Phát biểu trên kênh truyền hình France 3, người phát ngôn Chính phủ Pháp Sibeth Ndiaye nói: "Chúng tôi lo ngại điều có thể xảy ra và vì vậy chúng tôi muốn Thổ Nhĩ Kỳ ngừng càng sớm càng tốt sự can thiệp hiện nay".
Từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, trong đó nhà lãnh đạo Đức hối thúc Tổng thống Erdogan ngừng ngay chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria, cảnh báo hành động quân sự của Ankara có thể tạo thêm bất ổn cho khu vực cũng như sự trỗi dậy của IS.
Lời kêu gọi của Pháp và Đức nêu trên được đưa ra sau khi cùng ngày, chính quyền tự trị người Kurd ở Đông Bắc Syria cho biết gần 800 người - gồm vợ và con của các tay súng người nước ngoài thuộc tổ chức IS - đã trốn khỏi trại tị nạn Ain Issa sau một cuộc nã pháo của Thổ Nhĩ Kỳ, và hiện trại Ain Issa "không có người bảo vệ".
Thực tế trên đã từng được cảnh báo rất nhiều trước khi Ankara phát động cuộc tấn công vào Đông Bắc Syria. Một số khu vực tại miền Bắc Syria là nơi tập trung của nhiều phần tử IS, vốn đang được các lực lượng vũ trang người Kurd quản lý. Do phải ứng phó với chiến dịch Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai hiện nay, người Kurd đang dần bỏ rơi các khu trại này, qua đó tạo điều kiện cho các phần tử IS và thân nhân trốn thoát.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin ngày 11/10 cho biết, Tổng thống Donald Trump đã cho phép các quan chức nước này thảo luận về các lệnh trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara khởi động chiến dịch tấn công quân sự ở phía Đông Bắc Syria, tuy nhiên Washington chưa “kích hoạt” các biện pháp vào thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, trong phát biểu mới nhất ngày 13/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định các đe dọa trừng phạt kinh tế và cấm vận vũ khí của phương Tây sẽ không thể ngăn chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống các tay súng người Kurd ở Syria. Tổng thống Erdogan trước đó cho rằng chiến dịch của Ankara là "sứ mệnh ngăn chặn việc hình thành một hành lang khủng bố xuyên biên giới phía Nam, và đem lại hòa bình cho khu vực".
Ông cũng cho biết thêm rằng mục đích của chiến dịch là tạo ra một vùng đệm khoảng 30km sâu trong lãnh thổ Syria để đưa trở lại khoảng 3,6 triệu người Syria đã sang Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn kể từ khi bùng phát cuộc nội chiến năm 2011. Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo nước này sẽ đáp trả nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan chiến dịch của Ankara ở Đông Bắc Syria.
Trong một diễn biến liên quan, Giáo hoàng Francis kêu gọi các bên tiến hành đối thoại sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi một số điểm ở Đông Bắc Syria. Giáo hoàng cho biết dân thường đã buộc phải rời bỏ nhà cửa vì hành động quân sự, và kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực "một cách chân thành, trung thực và minh bạch" hướng tới tìm "các giải pháp hiệu quả".
Cùng ngày, một quan chức Mỹ nhận định tình hình tại Đông Bắc Syria "đang xuống cấp nhanh chóng", khi các lực lượng ở Syria được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đang tiến sâu hơn vào Syria và có thể cô lập các lực lượng Mỹ trên thực địa.
Quan chức này bày tỏ lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu giữa quân đội Mỹ và các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. Lo ngại trên được đưa ra một ngày sau khi một điểm đóng quân của binh lính Mỹ gần gần thị trấn Kobani ở biên giới phía Bắc Syria đã trúng pháo, chưa rõ vụ việc do bên nào gây ra. Hiện Mỹ chưa rút hết quân khỏi thị trấn này.
Chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ ngày 9/10, sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi một phần khu vực biên giới, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại Syria. Chiến dịch tấn công đã làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố.