Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Moskva, ông Peskov nhấn mạnh Nga tin rằng không gì có thể thay thế được giải pháp chính trị và ngoại giao trong vấn đề Triều Tiên. Theo người phát ngôn Điện Kremlin, tình hình đang trở nên trầm trọng hơn khi các bên đưa ra những tuyên bố đầy tính đe dọa.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS/TTXVN |
Điện Kremlin đưa ra phản ứng trên trước tuyên bố ngày 19/9 của Tổng thống Mỹ Donald Trump về "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu bị đe dọa, khiến Bình Nhưỡng đáp trả bằng tuyên bố sẽ tiến hành thử bom nhiệt hạch (bom H) trên Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hối thúc Triều Tiên ngừng đi theo con đường nguy hiểm, đồng thời kêu gọi Mỹ duy trì cam kết không tiến hành các hành động khiêu khích đối với Bình Nhưỡng.
Theo thông báo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố ngày 22/9, phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York một ngày trước đó, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc sẽ luôn kiên định với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và hướng tới các cuộc đàm phán bất kể tình hình như thế nào.
Cùng ngày, phát biểu với báo giới tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cảnh báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện rất “nghiêm trọng” và kêu gọi tất cả các bên giữ kiềm chế, sau khi Triều Tiên tuyên bố nước này có thể thử bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương nhằm đáp trả đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Lục Khảng nhấn mạnh rằng chỉ khi các bên liên quan cùng thảo hiệp thì mới có thể thực sự giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên cũng như thực sự mang lại hòa bình và ổn định cho bán đảo này.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 22/9 cho biết nước này có thể phải chuẩn bị về khả năng một tên lửa Triều Tiên gắn bom nhiệt hạch bay qua lãnh thổ Nhật Bản nếu Bình Nhưỡng phóng thử một tên lửa như vậy ở Thái Bình Dương. Theo ông Onodera, điều có thể xảy ra tiếp theo là một vụ thử hạt nhân và tên lửa liên lục địa được tiến hành ở ngoài khơi. Và nếu điều này xảy ra, ảnh hưởng của nó thậm chí còn lớn hơn.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho cho rằng Triều Tiên có thể thử bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương nhằm phản ứng "ở mức cao nhất" đối với Mỹ. Tuyên bố trên được ông Ri Yong-ho đưa ra ngay sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết đang cân nhắc những hành động mạnh mẽ nhất nhằm đáp trả đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với nước này.
Hôm 3/9, Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành thử thành công một quả bom nhiệt hạch có thể dùng để gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa. Vụ thử hạt nhân này khiến tình hình bán đảo Triều Tiên càng thêm căng thẳng.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 22/9, quân đội Nhật Bản thông báo tàu sân bay Ronald Reagan của Hải quân Mỹ đang tiến hành các cuộc tập trận với các tàu chiến Nhật Bản tại các vùng biển phía Nam bán đảo Triều Tiên, trong một động thái được cho là phô diễn sức mạnh hải quân giữa lúc Bình Nhưỡng đe dọa tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) thông báo tàu sân bay Ronald Reagan trọng tải 100.000 tấn, đồn trú tại Nhật Bản, và các tàu hộ tống đã tiến hành các cuộc tập trận với 2 tàu khu trục và tàu sân bay trực thăng Ise của Hải quân Nhật Bản kể từ ngày 11/9 vừa qua tại vùng biển phía Nam và Tây các đảo chính của Nhật Bản. Cuộc tập trận này sẽ diễn ra cho tới ngày 28/9.
Ngoài ra, trong một thông báo do Bộ Quốc phòng Nhật Bản gửi tới các nghị sĩ Hàn Quốc vào ngày 18/9, theo lịch trình, tàu sân bay Ronald Reagan sẽ tiến hành một cuộc tập trận riêng rẽ với Hải quân Hàn Quốc trong tháng 10 tới.