Tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ Nga quyết định khôi phục hoạt động của Đại sứ quán của nước này tại Libya.
Đại biện lâm thời Nga Dzhamshed Boltaev sẽ trực tiếp điều hành hoạt động của đại sứ quán. Trước mắt, quan chức ngoại giao Nga này sẽ làm việc từ Tunisia, xử lý các vấn đề liên quan.
Nga đã đóng cửa Đại sứ quán tại Libya sau vụ tấn công ngày 2/10/2013 nhằm vào cơ sở ngoại giao này tại thủ đô Tripoli, nhưng không gây thương vong. Toàn bộ nhân viên tại đây đã nhanh chóng được sơ tán sau khi giới chức Libya thừa nhận rằng họ không thể đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao nước ngoài.
Cũng trong thông báo này, Ngoại trưởng Lavrov đã đề cập đến thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc xung đột Libya, do Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cùng với chỉ huy quân đội miền Đông Libya, Tướng Khalifa Haftar đề xuất tại Cairo hôm 6/6.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cho rằng thỏa thuận này phù hợp với những quyết định được đưa ra tại một hội nghị quốc tế ở Berlin (Đức) liên quan tới tình hình quốc gia Bắc Phi này.
Những phát biểu trên của Ngoại trưởng Nga được đưa ra tại cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội ở miền Đông Libya, ông Aguila.
Hiện Libya đang tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đang hoạt động ở thủ đô Tripoli. Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga, Ai Cập ủng hộ.
Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA. Số liệu thống kê mới nhất của Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Libya (UNSMIL) cho thấy trên 16.000 người Libya đã phải rời bỏ nhà cửa trong các cuộc đụng độ mới đây giữa GNA và LNA.