Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây là tuyên bố được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra trong cuộc họp báo ngày 5/7 sau khi gặp Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit tại thủ đô Moskva.
Ngoại trưởng Lavrov cho rằng tuyên bố về việc thúc đẩy các cách tiếp cận chung đối với cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên, được Nga và Trung Quốc ký hôm 4/7 nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là một "sáng kiến toàn diện", nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Các nghị quyết này không chỉ bao gồm yêu cầu Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa hạt nhân mà còn nêu lên sự cần thiết của việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và tìm ra một giải pháp chính trị - ngoại giao cho tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên.
Ngoại trưởng Nga nêu rõ: "Mọi âm mưu nhằm biện minh cho giải pháp quân sự, lấy các nghị quyết của HĐBA LHQ là cái cớ, là không thể chấp nhận được, sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường trong khu vực". Ông nhấn mạnh các nỗ lực nhằm bao vây, hạn chế kinh tế của Triều Tiên cũng không thể chấp nhận được.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, sáng kiến chung của Nga - Trung Quốc về việc giải quyết tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên sẽ được trình bày chi tiết tại HĐBA LHQ trong ngày 5/7 (theo giờ Mỹ).
Trước đó, trong tuyên bố chung của các Bộ Ngoại giao Nga và Trung Quốc ngày 4/7, Moskva và Bắc Kinh đã nhất trí kêu gọi Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ cùng tham gia kế hoạch được đề xuất nhằm giảm căng thẳng xung quanh chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.
Theo tuyên bố chung, kế hoạch đề xuất Triều Tiên ngừng chương trình tên lửa và hạt nhân của mình, đồng thời Mỹ và Hàn Quốc hoãn các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn giữa hai nước.
Cả hai động thái này được cho là nhằm mở đường cho các cuộc đối thoại đa phương. Nhấn mạnh tình hình trong khu vực ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của cả hai nước, tuyên bố nêu rõ Nga và Trung Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy mọi giải pháp có thể cho "vấn đề phức tạp" của bán đảo Triều Tiên.
Bên cạnh đó, hai bên kêu gọi Mỹ dừng ngay việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc, cho rằng điều này sẽ gây tổn hại đến lợi ích an ninh chiến lược của các nước trong khu vực, trong đó có Nga và Trung Quốc.