Ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, ông Alexander Lukashevich thông báo Mátxcơva không tham gia hội nghị cấp ngoại trưởng về Xyri tiến hành cùng ngày tại thủ đô Pari của Pháp.
Ông Lukashevich cho biết Chính phủ Nga đánh giá cuộc gặp này có thể sẽ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa phe đối lập và chính quyền Xyri, khi đại diện Chính phủ Xyri không được mời tham dự. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi những người thực sự quan tâm đến việc ngừng chiến và chấm dứt đổ máu tại Xyri, hãy từ bỏ mọi hoạt động chính trị tự phát và thiếu xây dựng, tích cực ủng hộ kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên quốc tế Kofi Annan và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) về Xyri.
Trong khi đó, tại hội nghị ở Pari, các nước phương Tây vẫn tiếp tục gia tăng sức ép với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad khi liên tục đưa ra những lời chỉ trích Chính phủ Xyri đương nhiệm, đồng thời đe dọa thực hiện các hành động cứng rắn.
Ngoại trưởng các nước phương Tây và Arập tại hội nghị về Xyri ở Pháp, ngày 19/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại Pari, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho rằng kế hoạch hòa bình của ông Annan là một đảm bảo về hòa bình, vì vậy việc đổ vỡ sẽ dẫn tới nội chiến, thậm chí là một cuộc chiến tranh khu vực. Ngoại trưởng Pháp kêu gọi áp đặt các đòn trừng phạt cứng rắn hơn đối với Đamát và tăng qui mô của phái bộ giám sát LHQ ở Xyri, cũng như hỗ trợ hoạt động phái bộ này bằng việc cung cấp phương tiện đường bộ và đường không để thực thi nhiệm vụ giám sát tại Xyri. Tuy nhiên, các hoạt động này đòi hỏi phải có sự thương lượng thêm với Chính phủ Xyri.
Đối với Mỹ, quốc gia luôn tìm cách cô lập Chính phủ Xyri, Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng nói rằng các cường quốc thế giới nên thúc đẩy những biện pháp trừng phạt cứng rắn của LHQ chống Xyri nhằm buộc Chính phủ Xyri phải tuân thủ kế hoạch hòa bình. Phát biểu với các phái viên quốc tế tại hội nghị ở Pari, bà Hillary cho rằng cần bắt đầu vận động một cách mạnh mẽ trong Hội đồng Bảo an (HĐBA) để đưa ra một nghị quyết trừng phạt căn cứ theo Điều 7 Hiến chương LHQ, trong đó bao gồm các biện pháp trừng phạt về xuất nhập cảnh, tài chính và một lệnh cấm vận vũ khí. Một nghị quyết như vậy, có thể do HĐBA LHQ áp đặt, sẽ cho phép các cường quốc nước ngoài triển khai nhiều biện pháp, trong đó có cả những lựa chọn quân sự. Tuy nhiên, bà Hillary cũng thừa nhận Nga, nước ủy viên thường trực nắm quyền phủ quyết trong HĐBA, có thể sẽ không ủng hộ việc thông qua nghị quyết này. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho rằng trong thời gian chờ đợi, các nước sẽ phải tìm kiếm những biện pháp trừng phạt bổ sung về ngoại giao và kinh tế đối với Xyri.
Phản ứng trước những lời kêu gọi trên, từ Brúcxen (Bỉ), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kêu gọi các ngoại trưởng tham dự hội nghị Pari ngừng đưa ra những dự đoán về khả năng kế hoạch hòa bình thất bại và thay vào đó, nên nỗ lực tìm mọi cách để kế hoạch này thành công.
Một đoạn băng hình đăng tải trên mạng Internet ngày 19/4 cho thấy lực lượng nổi dậy Quân đội Xyri Tự do (FSA) cũng đã kêu gọi sự can thiệp quân sự từ bên ngoài chống lại chính quyền Đamát mà không cần HĐBA LHQ chấp thuận. Trước đây, Nga và Trung Quốc từng ngăn chặn một hành động của HĐBA đối với cuộc khủng hoảng tại Xyri.
Liên quan đến việc triển khai phái đoàn quan sát viên LHQ mở rộng đến Xyri, ngày 19/4, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Ban Ki-moon kêu gọi HĐBA sớm thông qua nghị quyết cho phép triển khai khoảng 300 nhân viên LHQ không vũ trang tại quốc gia Trung Đông này. Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin bày tỏ tin tưởng HĐBA có thể hành động một cách nhanh chóng để thông qua nghị quyết nói trên. Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Chính phủ Xyri và LHQ đạt được nhất trí về cơ chế làm việc của phái đoàn quan sát viên LHQ tại Xyri. Tuy nhiên, phương Tây tỏ ra thận trọng hơn. Đại sứ Đức cho rằng HĐBA cần phải đảm bảo các điều kiện đã phù hợp cho việc triển khai phái đoàn quan sát viên quy mô lớn.
Đối với hoạt động của đoàn tiền trạm LHQ đang có mặt tại Xyri, TTK LHQ kêu gọi Chính phủ Xyri hợp tác hoàn toàn, đặc biệt trong việc đảm bảo quyền tự do di chuyển và tiếp cận các điểm nóng cũng như đảm bảo an toàn cho các nhân viên LHQ. Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Chính phủ Xyri và LHQ đạt được nhất trí về cơ chế làm việc của phái đoàn quan sát viên LHQ tại Xyri. Ông Ban Ki-moon chỉ trích Chính phủ Xyri chưa ngừng các hoạt động bạo lực ngay trong thời điểm ngừng bắn và không tuân thủ các cam kết về việc thực thi kế hoạch hòa bình. Trong khi đó, Đamát khẳng định vẫn thực thi các nỗ lực nhằm thực hiện thành công kế hoạch hòa bình và tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho các quan sát viên, trong khi vẫn đảm bảo được chủ quyền của Xyri.
TTXVN/Tin tức