Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai tại Hội nghị về cải tổ LHQ ở New York ngày 18/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 72, ông Slutsky tuyên bố: "Quan niệm về chính sách ngoại giao của Nga nêu rõ rằng chúng tôi ủng hộ việc duy trì vai trò không thể bàn cãi của LHQ, vốn đã cho thấy nó không thể bị thay thế trong nhiều thập kỷ qua".
Theo ông Slutsky, Nga coi những đề xuất của Mỹ về việc cải tổ LHQ là một bước tiến lớn trong "hệ thống tổ chức của Mỹ" nhằm hướng đến một trật tự thế giới đơn cực, giảm thiểu vai trò của LHQ trong cấu trúc của thế kỷ 21. Ông Slutsky nhấn mạnh: "Chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng ủng hộ hay tuyên bố tham gia vào tiến trình này".
Trước đó, ngày 18/9, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở thành phố New York, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ trì sự kiện cấp cao bàn về vấn đề cải tổ LHQ, với sự tham gia của các phái đoàn thường trực của Mỹ, Canada, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Jordan, Niger, Rwanda, Senegal, Slovakia, Thái Lan, Anh và Uruguay.
Phát biểu tại sự kiện, Tổng thống Trump cho rằng LHQ chưa hoạt động hết khả năng của mình do tình trạng quan liêu, quản lý chưa thỏa đáng và Mỹ chưa nhìn thấy kết quả hoạt động xứng với đầu tư của Mỹ cho tổ chức này. Theo ông, LHQ không nên tiếp tục duy trì những cách hoạt động cũ vốn đã không còn hiệu quả.
Cũng tại sự kiện trên, Tổng thống Trump hoan nghênh những nỗ lực của Tổng thư ký LHQ Antonio Gutteres trong việc tìm kiếm cách thức để khiến LHQ có thể đảm nhiệm tốt hơn công việc của mình trên lĩnh vực phát triển, an ninh và hòa bình. Ông bày tỏ tin tưởng rằng nếu các quốc gia đoàn kết lại để tiến hành cải tổ LHQ, tổ chức này sẽ trở thành một lực lượng mạnh hơn hiệu quả hơn mang lại hòa bình cho thế giới.
Trong bài phát biểu sau đó, Tổng thư ký LHQ Gutteres thừa nhận rằng tổ chức đa phương lớn nhất nhất hành tinh này cần trở nên "nhanh nhẹn hơn, hiệu quả hơn, và linh hoạt hơn". Theo ông Gutterres, LHQ đã bắt đầu các kế hoạch cải tổ trong các lĩnh vực bao gồm: đảm bảo bình đẳng giới trong bộ máy LHQ; củng cố các cơ cấu chống khủng bố; chấm dứt tình trạng binh sĩ gìn giữ hòa bình lạm dụng tình dục. Ngoài ra, hệ thống phát triển của LHQ cũng đang được cải tổ để có tính tập trung hơn, phối hợp tốt hơn với các quốc gia thông qua Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2020.
Trước đó, trong phát biểu giới thiệu sự kiện, Đại sứ Mỹ tại LHQ bà Nikki Taylor cho biết có 128 quốc gia ký vào tuyên bố chính trị 10 điểm ủng hộ nỗ lực cải cách LHQ của Tổng thư ký Guterres.