Ngày 3/2, Chính phủ Nga đã tuyên bố nước này không thể ủng hộ bản dự thảo nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng Xyri, đồng thời khẳng định bản dự thảo nghị quyết đã được sửa đổi này vẫn chưa giải quyết hết được những mối quan ngại của Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov. Nguồn: Internet. |
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov tuyên bố Mátxcơva không thể ủng hộ bản dự thảo nghị quyết theo hình thức như hiện nay. Ông nhấn mạnh, một số quan ngại của Nga cũng như những quan ngại của các nước có cùng quan điểm với Nga đã được tính đến, nhưng nội dung bản dự thảo này chưa đủ để Nga có thể ủng hộ. Nga vẫn còn một loạt quan ngại và Mátxcơva sẽ tiếp tục tham vấn các bên liên quan. Thứ trưởng Gatilov cũng cho biết Nga sẵn sàng tiếp tục làm việc để sửa đổi văn kiện này, tiến hành xem xét và đưa ra quyết định căn cứ vào các lập trường nguyên tắc của mình.
Tuyên bố của Nga được đưa ra sau khi một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Oasinhtơn lạc quan “một cách thận trọng” về khả năng giành được sự ủng hộ của Nga đối với bản dự thảo nghị quyết sửa đổi về Xyri. Văn kiện này không công khai kêu gọi Tổng thống Xyri Bashar al-Assad từ chức hoặc đề cập đến một lệnh cấm vận vũ khí hay các biện pháp trừng phạt, song lại "hoàn toàn ủng hộ" kế hoạch của Liên đoàn Arập nhằm tạo thuận lợi cho cái gọi là “quá trình chuyển tiếp dân chủ” tại quốc gia Trung Đông đang chìm trong bạo loạn này.
Giới ngoại giao cho biết dự thảo nghị quyết mới sẽ được gửi lại chính phủ các nước thành viên của HĐBA để thảo luận thêm, song hiện chưa rõ có được gửi lại HĐBA để đưa ra bỏ phiếu hay không.
Trước đó, ngày 2/2, các cuộc đàm phán tại HĐBA đã buộc phải tạm dừng khi Nga tiếp tục phản đối bản dự thảo nghị quyết cứng rắn hơn đối với Xyri do Marốc đề xuất hồi tuần trước. Dự thảo nghị quyết được phương Tây và Liên đoàn Arập hậu thuẫn này yêu cầu Tổng thống al-Assad chuyển giao quyền lực cho Phó tổng thống nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử, chấm dứt cuộc trấn áp quân sự mà phương Tây cáo buộc đã làm 6.000 người thiệt mạng trong vòng 11 tháng qua. Văn kiện này tuy không đề cập tới việc trừng phạt Xyri nhưng đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp tiếp theo nếu Xyri không tuân thủ nghị quyết.
Trung Quốc - một trong năm nước ủy viên thường trực HĐBA có quyền phủ quyết - cũng bày tỏ quan ngại về những sức ép của phương Tây đòi thay đổi chế độ ở Xyri. Trước đó, hồi tháng 10/2011, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết về Xyri được phương Tây ủng hộ.
Trong khi HĐBA LHQ còn đang tranh cãi về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng tại Xyri, thì bạo lực vẫn tiếp tục leo thang tại nước này. Ít nhất 20 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột ngày 3/2 giữa các lực lượng trung thành với chính phủ của Tổng thống An Átxát và những tay súng nổi dậy. Bạo lực nổ ra khi hàng nghìn người dân xuống đường biểu tình để tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ thảm sát năm 1982 làm hàng nghìn người chết tại thành phố Hama, miền Trung Xyri dười thời Tổng thống Hafez al-Assad, cha của Tổng thống al-Assad hiện nay.
TTXVN/Tin Tức