Tham dự sự kiện lớn của thành phố và đất nước có 57 chứng nhân lịch sử của cuộc phong tỏa đến từ 12 nước. Theo chính quyền thành phố cho biết 37 nước, 50 chủ thể liên bang sẽ cử đại biểu đến chúc mừng thành phố.
Các hoạt động kỷ niệm bắt đầu bằng lễ đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của cuộc phong tỏa tại nghĩa trang Piskarev. 40 nghìn người sẽ tham dự mit tinh tưởng nhớ tại sân vận động Gazprom-Arena. Những người đã từng làm việc trong thời gian phong tỏa cũng được mời tham dự. Buổi tưởng niệm được truyền hình trực tiếp.
Chính quyền Saint-Petersburg cho biết trên 230 hoạt động được tổ chức để kỷ niệm sự kiện đầy mất mát, đau thương song là biểu tượng của khát vọng sống và bản lĩnh bảo vệ quê hương này. Người đứng đầu thành phố Aleksander Beglov cho biết số lượng đông đảo khách dự lễ cho thấy chiến công của quân và dân thành phố trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã không bị quên lãng và được kính trọng trên toàn thế giới. Quan chức này khẳng định chính tình cảm đó đang đoàn kết mọi người và kêu gọi giữ gìn và củng cố các giá trị nhân văn phổ quát.
Trước đó, tổng thống Vladimir Putin đã bay đến Saint-Petersburg từ chuyến công du Kaliningrad để chúc mừng thành phố. Tại đây ông nhấn mạnh ký ức về sự kiện lịch sử này là thần thánh và nêu bật tấm gương về lòng yêu nước của người dân thành phố bị phong tỏa Leningrad.
Chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện) Valentina Matvienco cũng gửi điện chúc mừng nêu rõ toàn nước Nga tự hào và mãi mãi ghi nhớ về chiến công của những người bảo vệ Leningrad.
Nhân dịp này theo sắc lệnh của tổng thống Quỹ xã hội cũng đã tặng quà bằng tiền mặt ở mức 50 nghìn ruble cho 56 nghìn người từng tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô được tặng huân chương “Vì cuộc bảo vệ Leningrad” hoặc huy chương “Người dân Leningrad bị phong tỏa”.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai Leningrad bị quân đội Đức phát xít phong tỏa hoàn toàn trong 872 ngày đêm từ tháng 9/1941. Hơn 1 triệu người dân thành phố đã chết trong cuộc phong tỏa. Con đường độc đạo để có thể tiếp tế thực phẩm vào mùa đông đi qua mặt hồ Ladoga đóng băng. Hồng quân Liên Xô chỉ phá phong tỏa thành công ở lần tấn công thứ 6 trong chiến dịch mang tên “Tia lửa”. Đây là một trong các trận đánh có tỉ lệ tử vong cao trong lịch sử thế giới và là trận đánh có số dân thường thiệt mạng cao nhất trên mặt trận chính Xô-Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.