Nga lên án chính sách 'nước lớn' của Mỹ trong vụ bắt giữ lãnh đạo Huawei

Ngày 7/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng chỉ trích việc Canada bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ, cho rằng đây là minh chứng về chính sách "nước lớn" của Mỹ.

Chú thích ảnh
Nhà chức trách Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, tại thành phố Vancouver. Ảnh: Reuters/TTXVN

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Milan (Italy), Ngoại trưởng Lavrov nói rằng bà Mạnh Vãn Chu đã bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của phía Mỹ với lý do công ty này làm ăn với Iran, vi phạm luật pháp Mỹ. Ông cho rằng điều này thể hiện "một chính sách ngạo mạn, nước lớn (của Mỹ)" và cần phải chấm dứt.

Trước đó một ngày, Bộ Tư pháp Canada thông báo bà Mạnh Vãn Chu đã bị cảnh sát Canada bắt giữ tại thành phố Vancouver hôm 1/12 khi đang quá cảnh tại sân bay, cùng ngày diễn ra cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Buenos Aires, Argentina. Tại cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo đã đạt thỏa thuận "đình chiến thương mại".

Bà Mạnh Vãn Chu đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Canada khẳng định việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu không có bất kỳ sự can thiệp hay động cơ chính trị nào và đây là hoạt động độc lập của hệ thống tư pháp.

Chính phủ Mỹ chưa đưa ra tuyên bố chính thức về vụ việc, song một số quan chức Mỹ đã bác bỏ khả năng Tổng thống Trump được thông báo trước về kế hoạch bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu.

Trong phản ứng đầu tiên, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ vụ bắt giữ, yêu cầu trả tự do cho quan chức Huawei, đồng thời Mỹ và Canada phải giải thích rõ vụ việc.

Là tập đoàn cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất và nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, Huawei, được thành lập  năm 1987, từ lâu đã nằm trong "tầm ngắm" của giới chức Mỹ. Huawei được biết đến là đối thủ đã soán ngôi vị trí "á quân" của tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ Apple trên thị trường điện thoại thông minh.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố chính quyền Paris hoan nghênh Huawei, mặc dù chính phủ có thể phải tạm thời phong tỏa các khoản đầu tư của tập đoàn.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa đang ở thăm Pháp, Bộ trưởng Le Maire nhấn mạnh Huawei đóng vai trò quan trọng tại Pháp với nhiều dự án đầu tư. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng chính phủ sẽ buộc phải có những hạn chế nhất định nếu một số dự án liên quan tới chủ quyền quốc gia hoặc công nghệ nhạy cảm.

Phương Oanh (TTXVN)
Khi Huawei nằm giữa 'thế trận cờ vây' Mỹ - Trung
Khi Huawei nằm giữa 'thế trận cờ vây' Mỹ - Trung

Vụ việc Canada bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ đang được ví như một "thùng dầu" đổ thẳng vào "ngọn lửa" căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung lúc nào cũng âm ỉ trực chờ bùng cháy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN