Trong một phát biểu đưa ra ngày 14/8, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Rodion Miroshnik cho rằng Ukraine tấn công tỉnh Kursk là hành động khủng bố và chí ít đã khiến các cuộc đàm phán hòa bình tạm dừng trong thời gian dài.
Theo ông Miroshni, phía Ukraine đã cố tình làm như vậy và việc “đàm phán phán hòa bình với một kẻ thù hoàn toàn không đủ năng lực là điều không bình thường".
Xem video đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Rodion Miroshnik lên tiếng về số phận của hoà đàm sau khi Ukraine tấn công tỉnh Kursk. Nguồn: Reuters
Ngày 6/8, theo giờ Việt Nam, Ukraine đã tăng cường pháo kích, sau đó là triển khai tấn công trên bộ với sự hỗ trợ của xe tăng và xe bọc thép nhằm vào tỉnh Kursk của Liên bang Nga.
Phát biểu tại cuộc họp được truyền hình trực tiếp với các quan chức an ninh cấp cao và các thống đốc khu vực vào ngày 12/8, Tổng thống Liên bang Nga, ông Vladimir Putin cho rằng giờ đây thì đã rõ lý do tại sao Ukraine từ chối đề xuất quay lại với kế hoạch hoà bình của Liên bang Nga cũng như đề xuất của các bên trung gian quan tâm và trung lập.
Theo ông Putin, có vẻ như Kiev với sự giúp đỡ của phương Tây đang thực hiện ý muốn của mình là tìm cách cải thiện vị thế đàm phán trong tương lai.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga đã đặt câu hỏi ngược lại rằng: "Nhưng chúng ta có thể đàm phán kiểu gì với những kẻ nhắm vào dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự một cách bừa bãi hoặc cố gắng đe dọa các cơ sở điện hạt nhân? Chúng ta có thể đàm phán kiểu gì với họ?”
Trước đó, vào ngày 13/6, Tổng thống Liên bang Nga, ông Vladimir Putin đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
Đề xuất này bao gồm yêu cầu công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Liên bang Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi quân sự hóa Ukraine cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.
Xem video Tổng thống Liên bang Nga, ông Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp được truyền hình trực tiếp với các quan chức an ninh cấp cao và các thống đốc khu vực ngày 12/8/2024. Nguồn: Reuters
Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả đề xuất của Moskva là tối hậu thư, trong khi cố vấn của Tổng thống Ukraine là ông Mikhail Podolyak nói rằng các sáng kiến mới của Nga "không có đề xuất hòa bình thực sự".
Ukraine cho đến nay vẫn coi công thức hòa bình 10 điểm do Tổng thống Zelensky đưa ra là nền tảng cho mọi cuộc hòa đàm, trong đó có việc Nga phải rút quân vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine, bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, Moskva coi những yêu cầu này là "không thực tế".