Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga, các biện pháp trừng phạt bổ sung (thứ hai) của Mỹ nhằm vào Tehran, dự kiến có hiệu lực vào tuần tới, nhằm mục đích cản trở các nỗ lực của những thành viên còn lại mà đã ký thỏa thuận hạt nhân Iran trong việc duy trì thỏa thuận này, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA, tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran), cũng như giáng một đòn mạnh vào Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT).
Cùng ngày 3/11, truyền thông nhà nước Iran dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Iran Mohammad Jav ad Zarif nêu rõ những chính sách và quyết định của Mỹ đang đối mặt với “làn sóng phản đối thực sự” ở khắp nơi trên thế giới, khi Washington có kế hoạch tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, nhằm vào các lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ và tài chính.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn IRNA bên lề Hội nghị lần thứ 18 Hội đồng Ngoại trưởng của Tổ chức Các nước đang phát triển (D8) diễn ra ở thành phố Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Zarif nêu rõ: “Hầu hết các quốc gia, ngoại trừ một vài nước, đã bắt đầu phản đối hành vi của Mỹ, đặc biệt là việc tái áp đặt những lệnh trừng phạt đơn phương”.
Kể từ ngày 5/11, Washington sẽ liệt hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Mike cho biết các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran trong các lĩnh vực năng lượng, đóng tàu, vận tải và ngân hàng cũng sẽ được áp đặt trở lại từ ngày 5/11. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời xác nhận Mỹ đã chấp thuận để tám nước tiếp tục mua dầu thô của Iran sau khi lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào các hoạt động xuất khẩu dầu thô của quốc gia vùng Vịnh này chính thức có hiệu lực từ thời điểm trên.
Việc khôi phục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran là một phần trong các biện pháp của Washington nhằm gây áp lực buộc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như các hoạt động tài trợ cho khủng bố. Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân và tên lửa của quốc gia này đều vì mục đích dân sự và phủ nhận mọi cáo buộc tài trợ cho khủng bố.