Trong một bài phỏng vấn với báo Nga Argumenty i Fakty, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) lẽ ra phải được mở rộng “từ lâu”, bao gồm các quốc gia châu Phi làm thành viên thường trực.
“Các quốc gia như Ấn Độ, Brazil và đại diện của châu Phi lẽ ra phải có mặt trong Hội đồng Bảo an trên cơ sở thường trực từ lâu rồi. Điều này là cần thiết để đảm bảo tính đại diện, sự đại diện cho đa số thế giới”, Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ.
Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thành viên, trong đó có năm nước Ủy viên thường trực, thường được gọi là Nhóm P5, gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Còn lại là 10 nước thành viên không thường trực (gọi tắt là Nhóm E10) do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu ra với nhiệm kỳ hai năm trên cơ sở phân chia công bằng về mặt địa lý và có tính tới sự đóng góp của những nước này cho tôn chỉ và mục đích của Liên hợp quốc và không được bầu lại nhiệm kỳ kế ngay sau khi mãn nhiệm.
Thành lập vào năm 1945, Hội đồng Bảo an có thể thực thi các lệnh trừng phạt, cho phép hành động quân sự và chuyển các vụ án lên Tòa án Hình sự Quốc tế, với điều kiện là có sự đồng ý nhất trí của 5 thành viên thường trực.
Từ lâu, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đã vận động hành lang để trở thành các thành viên thường trực của hội đồng. Trong một tuyên bố được đưa ra trong Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng trước tại New York, ba quốc gia này đã bày tỏ "sự thất vọng với tình trạng trì trệ" của các cuộc đàm phán mở rộng.
Trong một tuyên bố đầu tháng 10, Brazil nhấn mạnh rằng việc bổ sung đại diện của các nước "Nam toàn cầu" là cần thiết để Hội đồng Bảo an phản ánh đúng lợi ích và tầm quan trọng của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình này vẫn gặp phải nhiều thách thức về mặt chính trị và địa chính trị, khi danh sách các thành viên thường trực hiện tại vẫn khó thay đổi.
Brazil từ lâu đã là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Nam Mỹ và Nam Đại Tây Dương, đồng thời có vai trò lãnh đạo trong số các quốc gia Nam toàn cầu. Với tầm quan trọng về mặt chính trị, kinh tế và quân sự của mình, Brazil đang ngày càng khẳng định vai trò trên trường quốc tế.
Trong một tuyên bố năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông ủng hộ việc mở rộng cơ quan này để phục vụ tốt hơn cho lợi ích của Nam Bán cầu, đặc biệt là châu Phi.
"Chúng tôi ủng hộ việc trao cho các quốc gia châu Phi vị trí hợp pháp trong các đơn vị quyết định số phận của thế giới, bao gồm Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và G20, cũng như cải cách các thể chế tài chính và thương mại toàn cầu theo cách đáp ứng được lợi ích của họ", Tổng thống Putin phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi ở St. Petersburg vào năm 2023.