Ngày 26/5 (giờ VN), Đại sứ Nga tại Pháp, ông Alexander Orlov cho biết, Nga muốn nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi ra đi song chỉ thông qua một cuộc chuyển giao chính trị chứ không phải như một người "bị săn đuổi".
Thủ tướng Libi Al-Mahmoudi tại cuộc họp báo ở thủ đô Tripôli ngày 26/5. Ảnh: AFP-TTXVN |
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời ông Orlov cho biết: "Nga không muốn ông Kadhafi tiếp tục nắm quyền. Ông ấy đã phạm tội và phải chịu trách nhiệm về điều đó. Nhưng Nga mong muốn tất cả các bên ở Libi tham gia quá trình chuyển giao chính trị này”. Ông Orlov cũng đồng thời cho biết, Nga đã sẵn sàng làm trung gian trong cuộc xung đột giữa chính phủ và phe nổi dậy ở Libi với điều kiện có một lệnh ngừng bắn.
Theo đánh giá của giới phân tích, động thái trên của Mátxcơva là rất đáng chú ý, bởi Nga đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về áp đặt vùng cấm bay ở Libi trước khi phương Tây mở chiến dịch tấn công quân sự quốc gia Bắc Phi này.
Cùng ngày 26/5, chính phủ Tây Ban Nha, một trong các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham chiến ở Libi, thông báo đã nhận được đề nghị ngừng bắn của Thủ tướng Libi Al-Baghdadi al-Mahmoudi.
Hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời một quan chức NATO cho biết, NATO chưa nhận được đề nghị ngừng bắn của chính phủ Libi song qua thông tin báo chí đã biết việc đề nghị này được gửi cho một số quốc gia. Tuy nhiên, NATO tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc không kích ở Libi “cho đến khi quân đội Libi ngừng tấn công dân thường”.
Trước đó, tờ "Độc lập" của Anh đưa tin Thủ tướng Libi đã gửi thư tới một số chính phủ nước ngoài đề nghị một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức dưới sự giám sát của LHQ. Trong thư, ông al-Mahmoudi cho biết, chính phủ Libi sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với lực lượng chống đối, thực hiện ân xá ở cả hai bên và soạn thảo một bản hiến pháp mới. Thủ tướng Libi cũng cam kết thành lập một ủy ban giám sát ngừng bắn và đề xuất một cơ chế đối thoại chính trị. Tuy nhiên, thư không đề cập tới vai trò của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi trong tương lai.
Trong khi đó, các lãnh đạo châu Phi ngày 26/5 đã kêu gọi NATO chấm dứt các cuộc tấn công ở Libi để mở đường cho một giải pháp chính trị. Đề nghị này được đưa ra tại hội nghị cấp cao đặc biệt của Liên minh châu Phi (AU) ở thủ đô Ađi Abêba của Êtiôpi bàn về cuộc khủng hoảng tại Libi.
Cao ủy Hội đồng Hòa bình và An ninh của AU, ông Ramtane Lamamra cho biết, đây là một trong những việc làm cần thiết để đạt các giải pháp chính trị. AU cho rằng những gì đang diễn ra tại Libi đã vượt quá phạm vi cho phép trong các nghị quyết số 1970 và 1973 của LHQ.
Chủ tịch Ủy ban AU, ông Jean Ping cũng cho rằng, chỉ có một giải pháp chính trị mới có thể dẫn tới hòa bình lâu dài và thỏa mãn nguyện vọng chính đáng của nhân dân Libi.
Tháng trước, AU đã đề xuất một kế hoạch ngừng bắn, song kế hoạch này bị phe đối lập ở Libi bác bỏ. Trước đó, AU cũng đã đề nghị thành lập nhóm trung gian hòa giải cấp cao gồm lãnh đạo các nước châu Phi để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại Libi và đã đề xuất một lộ trình đàm phán trong giai đoạn quá độ để đi tới tổ chức các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, những nỗ lực này của AU dường như không có hiệu quả do các nước phương Tây tiếp tục không kích nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Kadhafi và thiếu sự hợp tác trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về tìm kiếm một giải pháp cho Libi.
Tại cuộc họp trên, người đứng đầu phái đoàn của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (TNC) tự xưng của lực lượng chống chính phủ tại Libi, ông Abdalla Alzubedi cũng kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay.
Tham dự hội nghị cấp cao AU, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tiếp tục kêu gọi các bên ngừng bắn thực sự và nghiêm túc đàm phán về thời kỳ quá độ hướng tới một chính phủ hợp lòng dân ở Libi.
Hải Anh