Tờ Jerusalem Post dẫn thông tin từ đảng Likud do ông Netayahu làm Chủ tịch cho hay trong cuộc điện đàm, hai bên cũng đã thảo luận các vấn đề như Syria, Iran, Ukraine. Đây là cuộc điện đàm công khai đầu tiên của Tổng thống Putin với ông Netanyahu kể từ khi chính trị gia này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Israel hôm 1/11.
Cùng ngày 22/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã chúc mừng ông Netanyahu thành lập được chính phủ mới tại Israel.
Phát biểu trong buổi họp báo của Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Blinken cho biết dù Quốc hội Israel vẫn sẽ cần thông qua trước khi chính phủ mới có thể chính thức tuyên thệ, nhưng Mỹ mong đợi làm việc với Israel nhằm thúc đẩy lợi ích của hai nước cũng như các giá trị nằm ở trung tâm của quan hệ song phương.
Trước đó, tối 21/12 theo giờ địa phương, nhà lãnh đạo kỳ cựu của Israel, ông Benjamin Netanyahu thông báo với Tổng thống nước này Isaac Herzog rằng ông đã thành lập được một chính phủ mới, qua đó trở lại nắm quyền với tư cách là người đứng đầu liên minh cánh hữu tại Israel. Đáng chú ý, trong thỏa thuận mà đảng Likud của ông Netanyahu ký với đảng cực hữu Religious Zionism vốn ủng hộ vấn đề người định cư do ông Bezalel Smotrich đứng đầu, ông Netanyahu cam kết sẽ soạn thảo và thúc đẩy kế hoạch sáp nhập Bờ Tây mà Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967. Trong khi đó, người Palestine muốn thành lập nhà nước Palestine độc lập có đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.
Sau khi đảng Likud giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 1/11, Tổng thống Isaac Herzog đã giao nhiệm vụ cho ông Netanyahu thành lập chính phủ trong vòng 28 ngày, với thời hạn chót là nửa đêm 11/12. Một số nhà phân tích chính trị của Israel lúc đầu đã dự đoán rằng ông Netanyahu sẽ công bố thành lập chính phủ vài ngày sau khi nhận được nhiệm vụ. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với các đảng phái khác sau đó đã gặp nhiều khó khăn hơn dự kiến ban đầu. Ngày 8/12, ông Netanyahu đã đề nghị Tổng thống Isaac Herzog kéo dài thời hạn thành lập chính phủ liên minh mới thêm 14 ngày.