Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (ảnh, phải) cho biết vẫn tồn tại "sự bất đồng" liên quan đến tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Phát biểu sau hội nghị quốc tế về khủng hoảng Syria ở thủ đô Vienna (Áo), ông Lavrov nêu rõ từ đầu chiến dịch không kích tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria, Moskva luôn đề nghị Mỹ phối hợp hành động, song Washington mới chỉ thỏa thuận cơ chế tránh các vụ đụng độ bất ngờ.
Theo Ngoại trưởng Nga, hai bên có thể hợp tác hiệu quả hơn, trong đó ông nhắc đến thỏa thuận vừa đạt được về việc các bên sẽ thống nhất danh sách các nhóm khủng bố tại Syria. Ông Lavrov nhấn mạnh, Nga và Mỹ đều có "kẻ thù chung" và cần nỗ lực hết sức để kẻ thù đó không thể giành quyền lực tại Syria hay tại bất kỳ quốc gia nào khác.
Bình luận về quyết định mới nhất của Nhà Trắng cử lực lượng đặc nhiệm đến Syria, Ngoại trưởng Nga lưu ý, quyết định không được thông qua với chính quyền Syria. Ông Lavrov tin tưởng rằng Nga và Mỹ đều không muốn cái gọi là "chiến tranh theo thỏa thuận", song quyết định của Nhà Trắng khiến nhiệm vụ hợp tác giữa quân đội hai bên trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Về lệnh ngừng bắn mà Mỹ muốn tuyên bố tại Syria, ông Lavrov cảnh báo các phe nhóm khủng bố sẽ không tuân thủ lệnh ngừng bắn này.
Ngoại trưởng Nga thông báo dù vấn đề bất đồng then chốt giữa Nga và Mỹ là số phận Tổng thống Syria Bashar Al-Assad vẫn chưa được giải quyết, song Moskva tin tưởng rằng vấn đề này phải do chính người dân Syria quyết định.
Theo đánh giá của ông Lavrov, hội nghị quốc tế kéo dài 7 giờ đồng hồ tại Vienna có ý nghĩa khi lần đầu tiên tập hợp được các quốc gia có "tác động khác nhau" đến tình hình Syria. Theo ông Lavrov, bên bàn đàm phán tất cả các bên đều thể hiện sẵn sàng thỏa hiệp, và điều đó mở ra các cuộc gặp tiếp theo, dự kiến sau hai tuần nữa. Thời gian cụ thể sẽ được thỏa thuận sau.
Tiến trình chính trị và đấu tranh chống khủng bố đến tiêu diệt hoàn toàn là hai nội dung cơ bản đạt được tại Hội nghị quốc tế mở rộng về vấn đề Syria ngày 30/10. 19 phái đoàn tham dự hội nghị đã ra tuyên bố chung gồm 9 điểm, nêu rõ Liên hợp quốc (LHQ) sẽ là bên tập hợp các đại diện của chính phủ và phe đối lập Syria cho một tiến trình chính trị, dẫn đến một cơ chế quản lý tin cậy, thế tục và bao gồm các lực lượng, tiến tới hiến pháp mới và bầu cử.
Tuyên bố cũng yêu cầu bảo đảm giữ nguyên các thể chế nhà nước của Syria, đất nước phải thống nhất, quyền của mọi dân tộc và nhóm tôn giáo phải được bảo đảm.
Tất cả các nội dung trong tuyên bố chung đều phải thực hiện dưới sự bảo trợ của LHQ, dưới sự kiểm soát và phối hợp của nhóm đứng đầu là đặc phái viên Tổng Thư ký LHQ về Syria Staffan de Mistura, người đã phát biểu sau hội nghị cam kết đại diện LHQ sẽ làm việc để "thiết lập hòa giải giữa chính phủ và phe đối lập".