Ông Kelin nói thêm: "Chúng tôi cần tái can dự với Mỹ và có thể chúng tôi sẽ bắt đầu (đàm phán) vào tháng 7 tới. Tôi hy vọng sẽ là các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược. Đó sẽ là nhân tố bổ sung cho Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) và tôi hy vọng tiến trình này có sự tham gia của tất cả những thành phần cần thiết".
Khi bình luận về hiện trạng các mối quan hệ Nga - Mỹ sau cuộc gặp mới đây giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Joe Biden, Đại sứ Kelin lưu ý rằng mức độ căng thẳng hiện nay trong mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ cần đến nhiều hơn các cuộc gặp thượng đỉnh để tìm ra chìa khóa giải quyết những bất đồng.
Trước đó, ngày 16/6, theo đề xuất của Washington, Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ đã diễn ra tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ). Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã thảo luận về thực trạng và triển vọng phát triển hơn nữa quan hệ song phương, các vấn đề chiến lược an ninh, cũng như các vấn đề quốc tế, bao gồm hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và giải quyết các xung đột khu vực. Mặc dù thừa nhận không thể ngay lập tức cải thiện được mối quan hệ, nhưng hai bên cùng thừa nhận tinh thần chung của cuộc gặp là thẳng thắn, xây dựng, không khiêu khích và rất thực tế.
Cũng liên quan đến quan hệ Nga- Mỹ, phát biểu tại Hội nghị truyền hình về chính sách hạt nhân quốc tế của Quỹ Carnegie ngày 22/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết nước này sẽ không ủng hộ Mỹ lôi kéo các nước khác tham gia vào hiệp ước kiểm soát vũ khí.
Theo ông Sergei Ryabkov, Nga sẽ không ủng hộ các nỗ lực của Mỹ nhằm gây áp lực hoặc thuyết phục các nước khác tham gia "chỉ vì một số người nghĩ rằng đã đến lúc phải có sự hợp tác 3 bên hoặc đa phương". Ông khẳng định rằng vấn đề này "không cần phải thảo luận".
Ông Sergei Ryabkov nhấn mạnh rằng cả Moskva và Washington nên tập trung vào các cuộc đàm phán, làm việc song phương, nhất là khi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) chính thức được gia hạn.