Phát biểu với báo giới trước thềm cuộc họp Hội đồng Bắc cực diễn ra 2 năm/lần, ông Jim de Hart, điều phối viên đặc trách của Mỹ tại khu vực Bắc cực, nêu rõ quan điểm của Mỹ là cần hợp tác nhiều về hành động chống biến đổi khí hậu, khoa học và giữ gìn hòa bình khu vực.
Từ Moskva, ông Nikolai Korchunov, đại diện của Nga tại Hội đồng Bắc cực, cũng phát đi tín hiệu tích cực, cho biết tuần trước, Nga và Mỹ có cuộc đối thoại "rất mang tính xây dựng" tại hội đồng này.
Theo kế hoạch, bên lề hội nghị cấp bộ trưởng các nước thành viên Hội đồng Bắc Cực, gồm Nga, Mỹ, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland, diễn ra tại Reykjavik (Iceland), hai Ngoại trưởng Nga và Mỹ sẽ có cuộc hội đàm trực tiếp. Sự kiện thu hút sự quan tâm của giới quan sát quốc tế do quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này đang trong giai đoạn căng thẳng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hiện có chuyến thăm kéo dài 4 ngày (từ 16 - 20/5) tới các nước có chủ quyền tại Bắc Cực. Đây cũng là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa giới chức hai cường quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức tại Mỹ.
Tín hiệu tích cực trên giữa Nga và Mỹ đã khích lệ các chính phủ, người dân địa phương, nhà đầu tư và các nhóm môi trường vốn đang lo ngại việc thiếu các quy định và nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường trong bối cảnh các ngành công nghiệp đều hướng về Bắc cực do đây là khu vực có lượng dầu, khí đốt và khoáng sản lớn nhất còn lại trên thế giới, và có các tuyến đường vận tải biển tiềm năng.
Giới phân tích cho rằng trước thực tế nhiệt độ Trái Đất ấm lên, băng tan nhiều, Bắc cực trở nên dễ tiếp cận hơn, các nước thành viên Hội đồng Bắc cực quan tâm hơn tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực cũng như các tuyến hàng hải và vị trí chiến lược của Bắc Cực. Chính vì thế, song song với các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thăm dò tài nguyên, các nước cũng từng bước tăng cường hiện diện quân sự nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia. Do đó, trước thềm các sự kiện tại Reykjavik, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo các nước phương Tây không đưa ra các tuyên bố chủ quyền ở Bắc Cực.