Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) chủ trì cuộc họp Hội đồng an ninh ở Moskva ngày 29/9/2015. Ảnh: Reuters/TTXVN |
Ngày 18/1, Phó Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Yevgeny Lukyanov đã đưa ra tuyên bố trên. Trong thông cáo đăng tải trên trang web chính thức của Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Lukyanov nhấn mạnh: "Mỹ và các nước đồng minh vẫn duy trì chính sách phản đối trật tự thế giới đa cực cũng như đối với các trung tâm quyền lực phi Phương Tây".
Trước đó ngày 31/12/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua tài liệu mang tên "Chiến lược an ninh quốc gia của Liên bang Nga", qua đó điều chỉnh một loạt chiến lược đối phó với những mối đe dọa an ninh quốc gia của Moskva.
Tổng thống Nga và Quốc vương Qatar thảo luận về vấn đề SyriaCùng ngày 18/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria.
Phát biểu tại Điện Kremlin, Quốc vương Tamim nói: "Nga đóng một vai trò chủ chốt đối với sự bình ổn của thế giới. Chúng tôi mong muốn phát triển quan hệ với Nga và tìm kiếm một giải pháp cho hàng loạt vấn đề liên quan đến bình ổn của 1 số quốc gia trong khu vực chúng tôi".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva và Doha hy vọng cuộc đàm phán giữa chính quyền Syria và phe đối lập sẽ bắt đầu ngay trong tháng 1 này. Theo ông Lavrov, Nga và Qatar cũng nhất trí tăng cường các biện pháp chống khủng bố.
Về phần mình, Tổng thống Putin đã trao đổi với Quốc vương Tamim rằng Nga muốn hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, "đặc biệt là lĩnh vực khí đốt".
Ba Lan hối thúc NATO hiện diện thường trực tại Đông Âu
Trong một diễn biến khác cùng ngày 18/1, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã hối thúc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện diện tại Đông Âu "trong thời gian lâu nhất có thể".
Trả lời họp báo cùng Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Brussels (Bỉ), ông Duda nói: "Tôi xin nhấn mạnh một điều rằng sự hiện diện này nên kéo dài lâu nhất có thể để mang lại một sự đảm bảo an ninh".
Ông cũng cho rằng NATO không nên "bỏ qua đối thoại với Nga", song cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như việc Moskva sáp nhập Crimea hồi năm 2014 cho thấy sẽ không thể có sự thỏa hiệp nào về vấn đề an ninh.
Từ lâu, Vacsava luôn yêu cầu sự hiện diện thường trực của NATO tại Ba Lan, song khối quân sự này cùng các nước Phương Tây luôn tỏ ra thận trọng do quan ngại bị phía Nga cáo buộc phá vỡ các hiệp ước.