Máy bay Sukhoi Su-24M của Nga hạ cánh xuống sân bay quân sự Hmeymim gần thành phố Latakia ngày 15/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu với báo giới ngày 21/10, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nêu rõ hiện chưa phải là thời điểm phù hợp để bàn về các giải pháp chính trị tại Syria khi khủng bố vẫn tồn tại tại Syria, nguy cơ tan rã đất nước vẫn hiện hữu.
Nhiệm vụ ưu tiên số một hiện nay tại đây vẫn là cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố và cực đoan. Tuy nhiên, ông Peskov cũng tái khẳng định Nga không có kế hoạch tiến hành chiến dịch trên bộ tại Syria.
Quan chức Điện Kremlin cũng khẳng định Nga, Syria và tất cả các nước khác đều nhất trí rằng cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp chính trị và quyền quyết định cuối cùng phải thuộc về nhân dân Syria chứ không phải áp đặt từ bên ngoài.
Chia sẻ quan điểm này, đại diện thường trực Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizov ngày 21/10 tuyên bố nếu Nga không tiến hành chiến dịch quân sự chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria, IS có thể đã giành chiến thắng.
Mục tiêu của Nga rất rõ ràng, trước hết là tiêu diệt IS và các nhóm khủng bố khác, sau đó giúp nhân dân Syria thực hiện sự lựa chọn chính trị của mình. Nhiệm vụ chỉ hoàn thành khi IS và các nhóm khủng bố liên quan bị tiêu diệt và không gây ảnh hưởng tới tình hình Syria.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Đặc phái viên Tổng thống Nga về Trung Đông và châu Phi, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tuyên bố tiến trình chính trị tại Syria cần phải có sự tham gia của tất cả các lực lượng, trong đó có người Kurd, và Moskva cho rằng cần tổ chức diễn đàn Geneva 3 về Syria.
Liên quan tới chuyến thăm bất ngờ tới Nga của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, phương Tây đã thể hiện thái độ không ủng hộ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ngày 21/10 tuyên bố việc Nga tiếp Tổng thống Syria là trái với lập trường của Moskva về chuyển tiếp chính trị tại Syria và còn quá sớm để khẳng định cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga và nhà lãnh đạo Syria có giúp giải quyết cuộc khủng hoàng Syria hay không.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố cộng đồng quốc tế vẫn đang tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria và một giải pháp như vậy khó có thể đạt được trong tương lai gần. Bà cũng khẳng định lập trường của Đức rằng ông al-Assad không có tương lai chính trị ở Syria.
Còn Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 21/10 tuyên bố mọi biện pháp hỗ trợ cho Tổng thống al-Assad là không thể chấp nhận được.