Số liệu chính thức cho thấy các doanh nghiệp Nga đã đầu tư 436 triệu USD vào Ukraine. Trong khi đó, Cộng hòa Síp là nhà đầu tư nhiều thứ 2 với 219 triệu USD, theo sau là Hà Lan (208 triệu USD) và Áo (59 triệu USD).
Các khoản đầu tư từ nước ngoài chủ yếu tập trung vào ngành ngân hàng và bảo hiểm (750 triệu tương đương 60%), các hoạt động giao thương bán buôn bán lẻ (10%), sản xuất công nghiệp (8,2%) và lĩnh vực công nghệ thông tin (8%).
Cũng theo số liệu trên, nguồn tiền đầu tư vào Ukraine trong 6 tháng đầu năm nay giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, khi đó đạt 922 triệu USD.
Phóng viên kiêm nhà phân tích chính trị Yuri Svetov nhận xét với hãng tin Sputnik: “Ukraine thực sự đang trên bờ vực vỡ nợ, nên quốc gia này tiếp nhận tiền mà không hề do dự, bất kỳ khi nào có thể”.
Theo vị chuyên gia trên, các doanh nghiệp Nga rõ ràng có hứng thú đầu tư vào Ukraine trong bối cảnh hai quốc gia này từ lâu đã phát triển các mối quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, ông Svetov nhấn mạnh sự đầu tư từ Nga sẽ sớm bị ngưng lại, vì “chúng ta liên tục nghe thấy những tuyên bố từ giới lãnh đạo Ukraine đòi hủy bỏ Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa hai nước và nguy cơ chấm dứt các hoạt động giao thông vận tải…”.
Nga và Ukraine đã ký Hiệp ước về Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác tháng 5/1997. Văn kiện này có hiệu lực từ tháng 4/1999 với thời hạn 10 năm, và có thể được tự động gia hạn trong thời gian 10 năm khi các bên không phản đối. Vào tháng 10/2018, hiệu lực của Hiệp ước sẽ hết hạn và các bên sẽ thông báo kế hoạch của họ: chọn gia hạn Hiệp ước thêm 10 năm nữa hoặc huỷ bỏ thỏa thuận.
Quan hệ giữa Nga và Ukraine vốn trở nên căng thẳng từ đầu năm 2014 sau khi các lực lượng thân phương Tây tại Ukraine tiến hành "cuộc đảo chính đường phố" lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych. Vụ việc này đã đẩy đất nước Ukraine vào tình trạng rối ren, dẫn tới việc bán đảo Crimea sáp nhập trở lại vào LB Nga và sau đó là cuộc xung đột nổ ra tại miền Đông giữa quân đội chính phủ Ukraine và các lực lượng đòi độc lập.