Thỏa thuận trên đạt được sau vòng tham vấn lần thứ 5 giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Mori và người đồng cấp Nga Igor Morgulov ở Tokyo.
Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Mori cho biết một nhóm chuyên trách cấp vụ sẽ được thành lập riêng rẽ với cuộc đối thoại cấp chuyên viên hiện nay, gồm các quan chức cấp cao hơn để tăng cường phối hợp về vấn đề này trước thềm cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc gặp này theo kế hoạch diễn ra tại Nhật Bản vào tháng 6 tới bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Ông Mori cho biết đã có các cuộc thảo luận "chuyên sâu" với người đồng cấp Nga Morgulov về việc thiết lập khuôn khổ cho phép người dân đi đến các đảo này mà không làm suy yếu lập trường của hai nước. Nội dung thảo luận đề cập tới vấn đề du lịch miễn thị thực giữa tỉnh Hokkaido, Nhật Bản và vùng Sakhalin, thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Lịch trình này bao gồm cả các đảo tranh chấp.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh khả năng đạt được bước đột phá lớn về vấn đề tranh chấp lãnh thổ dường như khó xảy ra trong cuộc gặp dự kiến trên. Nga chưa có dấu hiệu "lay chuyển" trước đề xuất của Nhật Bản về việc Moskva chuyển giao 2 hòn đảo nhỏ nhất trong số 4 hòn đảo tranh chấp ngoài khơi Hokkaido cho Tokyo. Nhật Bản hy vọng việc triển khai các hoạt động kinh tế trên các đảo do Nga kiểm soát này sẽ dẫn tới một thỏa thuận cuối cùng về tranh chấp lãnh thổ.
Mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản đã nhiều năm nay bị phủ bóng đen do chưa thể ký được hiệp ước hòa bình. Nguyên nhân chính là do hai bên tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo gồm 4 hòn đảo mà Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan, còn Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan. Thủ tướng Nhật Bản Abe đã nhiều lần tổ chức đàm phán với Tổng thống Nga Putin để giải quyết cuộc tranh chấp trên, song cho đến nay vẫn chưa đạt được đột phá nào. Gần đây, hai nước đã thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, nhưng chưa đạt được nhận thức chung do lập trường còn nhiều khác biệt.