Theo ông Rogozin, trạm không gian Gateway chủ yếu phục vụ cho Mỹ, do đó Nga không muốn tham gia dự án này trên quy mô lớn.
Trong phát biểu trực tuyến gửi tới Đại hội Vụ trụ Quốc tế lần thứ 71 (IAC), người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga nhấn mạnh Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) thực sự một dự án quốc tế với Mỹ, Nga, châu Âu, Canada, Nhật Bản tham gia, cho dù chỉ có Mỹ và Nga xây dựng trạm không gian này.
Với việc cùng tham gia ISS, mối quan hệ chính trị giữa Nga và Mỹ đã bớt căng thẳng khi kể từ năm 2011 đến nay, NASA hợp tác với Roscosmos đưa các nhà du hành vũ trụ Mỹ lên ISS. Tất cả các chuyến thám hiểm bằng tàu vũ trụ có người lái của NASA được thực hiện nhờ tên lửa đẩy của Nga phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Tuy nhiên, ISS có thể sẽ chỉ còn hoạt động tới năm 2030 và NASA đã đơn phương khởi động chương trình thăm dò Mặt Trăng mà mà không tham vấn Nga hay các đối tác khác.
Được công bố dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự án Trạm không gian Gateway được xem như một phần trong kế hoạch đưa các phi hành gia của Mỹ trở lại Mặt Trăng vào năm 2024. NASA khẳng định rằng dự án này là dự án hợp tác quốc tế và nước này đang tìm cách thu hút sự tham gia của các quốc gia khác sau khi Canada, Nhật Bản và Italy đã ký các thỏa thuận tham gia dự án.
Mặc dù cho biết Nga nhiều khả năng không tham gia dự án Gateway song ông Rogozin vẫn đề ngỏ cơ hội hợp tác trong tương lai khi cho biết Nga ủng hộ việc "chuẩn hóa các giao diện" để có thể cho phép các tàu không gian của Nga kết nối với trạm không gian vũ trụ Gateway.