Theo hãng thông tấn Interfax, phát biểu ngày 5/9, nhà lãnh đạo vùng Primorsky ở Viễn Đông, Nga, ông Andrey Tarasenko cho biết trước đây, Rajin là điểm trung chuyển cho hoạt động xuất khẩu than đá của Nga sang Hàn Quốc.
Trung tuần tháng 7 vừa qua, nhóm công tác do Ủy ban Hợp tác kinh tế miền Bắc thuộc Phủ tổng thống Hàn Quốc đã trở về Seoul, kết thúc chuyến đi tới khu vực kinh tế đặc biệt Rason thuộc biên giới phía Đông Bắc Triều Tiên. Mục đích chuyến công tác là thảo thuận về khả năng hợp tác kinh tế 3 bên giữa hai miền Triều Tiên và Nga liên quan đến dự án Rajin-Khasan và nhiều dự án khác.
Rajin-Khasan là một dự án về logistics giúp vận chuyển than đá từ Nga sang Triều Tiên thông qua quãng đường sắt dài 54km nối khu vực Khasan của Nga với cảng Rajin của Triều Tiên và sau đó được tàu thủy chuyển tới Hàn Quốc.
Cho đến nay, tuyến đường vận chuyển này đã được thử nghiệm 3 lần và lần gần đây nhất diễn ra vào tháng 11/2015. Tuy nhiên, dự án này đã tạm dừng sau khi Hàn Quốc cấm mọi hoạt động vận tải biển từ Triều Tiên hồi đầu năm 2016 sau vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Rason, có tên gọi cũ là Rajin và Sonbong đã trở thành khu vực kinh tế đặc biệt vào năm 1991. Triều Tiên lâu nay tìm cách phát triển khu kinh tế này thông qua chính sách thu hút đầu tư từ nước ngoài, song chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo luôn của cản trở hoạt động đầu tư tại đây.
Mỹ đang gây sức ép với Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Ngày 21/8 vừa qua, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 công ty vận tải biển và 6 tàu của Nga mà Washington cho là dính líu tới việc vận chuyển các sản phẩm xăng dầu tinh chế sang các tàu treo cờ Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Trước đó, ngày 15/8, Mỹ cũng đã áp đặt trừng phạt đối với một cơ quan dịch vụ cảng biển của Nga cùng các công ty Trung Quốc vì đã giúp đỡ tàu thuyền Triều Tiên và bán thuốc lá, rượu cho Bình Nhưỡng. Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể làm tổn hại tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Bộ trên cho rằng Washington "không nhận thức được" việc gây "sức ép tối đa" với Bình Nhưỡng "đầy nguy hiểm" như thế nào.
Lệnh trừng phạt được Mỹ đưa ra trong bối cảnh Washington đang gia tăng sức ép đối với Triều Tiên trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6, Triều Tiên từng bước thực thi cam kết tại cuộc gặp lịch sử này bằng các tuyên bố chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cũng như dỡ bỏ một bãi thử hạt nhân được quốc tế biết đến để tiến tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, cho đến nay, tiến trình phi hạt nhân hóa chưa đạt tiến bộ và Bình Nhưỡng chỉ trích Mỹ luôn đơn phương đưa ra đòi hỏi.