Theo đài RT, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga hôm 26/5, ông Ryabkov nhấn mạnh Nga không đưa ra bất kỳ thay đổi nào đối với học thuyết hạt nhân của đất nước và “không có thay đổi nào trong cách tiếp cận của Moskva đối với vấn đề phức tạp và đáng báo động này”.
“Nhiều quốc gia đang suy đoán một cách hoài nghi về vấn đề này và cố gắng gán cho Nga ý định sử dụng vũ khí hạt nhân không liên quan đến những gì đang xảy ra ở Ukraine”, ông Ryabkov tuyên bố.
Nhà ngoại giao này giải thích học thuyết hạt nhân của Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí chiến thuật trong trường hợp có mối đe dọa hiện hữu đối với sự tồn tại của đất nước, ngay cả khi hành vi gây hấn đó được thực hiện bằng vũ khí thông thường. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Tôi sẽ không áp dụng tất cả những điều này vào diễn biến ở Ukraine và xung quanh vấn đề này”.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cùng ngày cảnh báo Moskva sẽ buộc phải tấn công phủ đầu nếu phương Tây chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine.
Ông Medvedev cũng nhận định trong tình hình hiện nay, rất có thể phương Tây sẽ gửi cho Kiev máy bay chiến đấu F-16 và thậm chí, có thể cả vũ khí hạt nhân.
Các quan chức ở Moskva đã nhiều lần nói rằng nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine bắt nguồn từ việc phương Tây coi thường an ninh quốc gia của Nga trong nhiều thập kỷ.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, Nga đã kêu gọi quy chế trung lập, không liên kết cho một Ukraine phi quân sự hóa, yêu cầu Kiev từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO và EU, và xác nhận trạng thái phi hạt nhân của mình.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng đánh giá khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là rất thấp, song liên minh này vẫn rất thận trọng trước nguy cơ đó.
“Nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là thấp, song liên minh vẫn rất thận trọng về điều đó, vì hậu quả của cuộc tấn công hạt nhân sẽ rất tàn khốc”, ông Stoltenberg nói với đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông khẳng định quan điểm của Nga về vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn không thay đổi.
Người đứng đầu NATO cũng nói thêm rằng khối quân sự này muốn khẳng định rõ sẽ không có bên chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân
Trong phiên khai mạc hội nghị kiểm soát vũ khí thường niên của NATO lần đầu tiên được tổ chức ở Washington vào tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cũng cảnh báo Washington và các đồng minh NATO phải cảnh giác về những dấu hiệu Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong xung đột ở Ukraine.