Ông Vershinin nhấn mạnh Nga luôn luôn phản đối các biện pháp trừng phạt, bởi điều đó không giúp ích trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông, mà trái lại gây thêm gánh nặng cho dân thường. Thứ trưởng Vershinin khẳng định không có căn cứ để nghi ngờ Damascus không quan tâm đến hoạt động của Ủy ban Hiến pháp và tiến trình giải quyết chính trị.
Nga cùng các đối tác chủ chốt trong khuôn khổ hòa đàm Astana là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cùng Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura đang nghiên cứu thành lập Ủy ban Hiến pháp toàn Syria, nhằm chuẩn bị cho cuộc cải cách Hiến pháp tại nước này và được Damascus rất hoan nghênh. Tất nhiên, cuộc cải cách phải được chính người dân Syria thực hiện dưới sự trung gian của LHQ và Damascus cũng phản đối mọi áp đặt từ bên ngoài đối với Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới.
Trước đó, Đặc phái viên của Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Syria James Jeffrey cho biết Washington có thể đưa ra đề xuất áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc tế cứng rắn hơn đối với Syria trong trường hợp Chính phủ Tổng thống Bashar Assad từ chối dự thảo về soạn thảo Hiến pháp mới.