Nga phản đối HĐBA ra tuyên bố kêu gọi trừng phạt Triều Tiên

Ngày 6/7, Nga đã phản đối Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ra tuyên bố kêu gọi áp đặt "những biện pháp đáng kể" để đáp trả vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, với lập luận rằng tên lửa này thực tế chỉ là một tên lửa tầm trung.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vui mừng sau vụ phóng tên lửa đạn đạo ngày 4/7. Ảnh: Reuters

Theo các nhà ngoại giao tại LHQ, Mỹ đã lưu hành tuyên bố trên sau khi thông báo kế hoạch về một nghị quyết trừng phạt mới song Nga đã phản đối. Dự thảo tuyên bố nhắc lại HĐBA nhất trí tăng cường "nhiều biện pháp hơn nữa" trong trường hợp Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa hay hạt nhân, và cơ quan quyền lực nhất của LHQ sẽ bắt đầu "làm việc ngay lập tức nhằm đưa ra các biện pháp như vậy".

Các nhà ngoại giao cho biết Nga đã phản đối chi tiết khẳng định "Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa" đề cập trong tuyên bố dự thảo. Phái đoàn Nga tại LHQ khẳng định không ngăn chặn tuyên bố nói trên nhưng cho rằng Mỹ phải có sự "chỉnh sửa thích hợp đối với văn bản này", bởi Nga không thể nhất trí rằng tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng là một tên lửa xuyên lục địa. Phái đoàn Nga cho biết thêm rằng dựa vào hệ thống theo dõi của mình, Bộ Quốc phòng Nga tin rằng đây chỉ là một tên lửa tầm trung.

Trước đó, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, trong khi cả Mỹ và Liên hợp quốc cũng xác nhận tên lửa Hwasong-14 mà Triều Tiên phóng ngày 4/7 là có tầm bắn xuyên lục địa.


Tại cuộc họp khẩn cấp của HĐBA ngày 5/7, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nói rằng vụ phóng là một hành động "leo thang quân sự mạnh mẽ và rõ ràng", đồng thời cảnh báo Washington đã sẵn sàng sử dụng vũ lực. Trong khi đó, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov nói rằng "mọi hành động trừng phạt sẽ không giúp giải quyết vấn đề". Phó Đại sứ Safronkov cảnh báo "bất cứ mưu toan nào nhằm biện minh cho một giải pháp quân sự cũng là không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến những hậu quả không thể lường trước cho khu vực".

TTXVN/Tin Tức
Sau vụ thử ICBM, Triều Tiên thực sự muốn điều gì?
Sau vụ thử ICBM, Triều Tiên thực sự muốn điều gì?

Sau những lời đe dọa nhấn chìm Mỹ trong biển lửa và tuyên bố thử thành công quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên có thể bắn tới bất cứ đâu trên thế giới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực sự mong muốn điều gì?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN