Nga phóng tên lửa hành trình diệt IS: Tại sao, nhằm mục đích gì?

Nga lại vừa có màn phô diễn sức mạnh quân sự ấn tượng, đầy bất ngờ, đẩy quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria vào tình trạng hoảng loạn.


Bộ Quốc phòng Nga ngày 7/10 xác nhận, đã có 26 tên lửa hành trình được phóng đi từ 4 tàu chiến ở biển Caspi, tiêu diệt gọn 11 mục tiêu IS tại Syria. Đây là tên lửa tấn công mặt đất tầm xa, thuộc họ Kalibr (bản xuất khẩu có tên Klub). Dòng tên lửa Kalibr gồm nhiều biến thể, tùy theo chế độ motor và hệ thống dẫn đường đi kèm - có loại dùng cho tấn công tàu mặt nước, tấn công tàu ngầm và hủy diệt các mục tiêu mặt đất. Kalibr diệt hạm cơ sở được định danh là Kalibr 3M-54, trang bị cho cả không quân (Kalibr-A), lục quân (Kalibr M), tàu ngầm (Kalibr-PL) và tàu nổi (Kalibr-NK). Còn phiên bản tấn công mặt đất cơ sở là Kalibr 3M-14.

Tên lửa hành trình Kalibr-NK được phóng từ tàu chiến ở biển Caspi. Ảnh: RT

Tên lửa được Nga sử dụng trong đợt tấn công hôm 7/10 là Kalibr-NK, có tầm bắn 1.500 – 2.500 km, có độ chính xác cực cao (sai số 3m), bay chế độ cận thanh với vận tốc 0,8 Mach và được phóng từ các bệ đặt trên tàu nổi theo phương thẳng đứng (VLC). Đây xứng đáng được xem là “đối thủ xứng tầm” của Tomahawk (Mỹ). Để phóng 26 quả tên lửa này từ 4 tàu hộ vệ dạng nhỏ, Nga cần phải nhận được sự đồng ý của Iraq và Iran – những nước có không phận mà Kalibr bay qua trên hành trình tìm diệt mục tiêu IS. Thêm nữa, nếu Mỹ luôn dùng Tomahawk để mở đầu các cuộc tấn công nhằm “mềm hóa” chiến trường, thì Nga lại làm theo cách khác: phóng Kalibr-NK sau khi các máy bay đã không kích quân khủng bố 1 tuần.

Đòn đánh mới này vì thế cho thấy 2 điểm rõ rệt: 1/ Nga đã có được thực lực quân sự, cụ thể là đòn tấn công bằng tên lửa hành trình, thứ mà trước đây tưởng như chỉ Mỹ là người duy nhất có. Thậm chí sức mạnh của Nga còn có điểm vượt trội hơn khi chỉ cần các tàu khu trục loại nhỏ như lớp Gepard, lớp Dagestan cũng đủ để kích hoạt loạt tấn công bằng tên lửa hành trình; 2/ Sự xuất hiện của liên minh Iraq - Nga - Iran nhằm hỗ trợ quân đội Syria không còn là lời đồn đoán, mà đã thành một thực tế.

Xét về mặt chiến thuật, tấn công bằng tên lửa hành trình có một số ưu điểm nổi trội so với không kích: Giảm thương vong, thiệt hại cho dân thường, hạn chế mức độ hủy diệt đối với các công trình dân sự; dễ dàng hủy diệt các mục tiêu cố định được bảo vệ bởi hỏa lực phòng không. IS được cho là có trong tay một số loại tên lửa đất đối không, kể cả loại do Nga sản xuất như Strela, Igla, cùng với đó là nhiều súng phòng không.

Hành trình tìm diệt mục tiêu IS tại Syria của Kalibr-NK. Ảnh: WP

Kết hợp không kích bằng đòn đánh tên lửa hành trình sẽ tạo ra sự linh hoạt chiến thuật, bổ trợ lẫn nhau, hủy diệt được nhiều mục tiêu hơn: Tên lửa hành trình thường dùng để diệt các mục tiêu cố định như kho đạn, trung tâm chỉ huy, tạo điều kiện cho máy bay cường kích, tiêm kích “làm gỏi” các mục tiêu di động như pháo, xe tăng… Không những vậy, loại tên lửa cận thanh như Kalibr-NK rất khó bị phát hiện, bắn hạ, giúp tăng yếu tố bất ngờ.

Một điểm đáng chú ý là Nga quyết định dùng các đơn vị tàu chiến ở biển Caspi - chứ không phải là ở Địa Trung Hải, để phóng 26 tên lửa, chấp nhận khoảng cách xa hơn về mặt địa lý (Nga không thể phóng tên lửa hành trình tầm xa từ bệ mặt đất – hành động bị cấm theo Hiệp ước tên lửa Hạt nhân tầm trung INF năm 1987). Đó là sự chọn lựa có tính toán: Hạm đội tàu chiến, mạng thông tin tình báo của Mỹ tại Địa Trung Hải cực mạnh, đó là còn chưa kể tới sức mạnh của đồng minh Israel. Phóng Kalibr từ biển Caspi, Nga không cho “kẻ bên ngoài” có cơ hội theo dõi, can thiệp.


Hoài Thanh (Theo RI, RT)
Tiêm kích Nga chặn máy bay không người lái Mỹ ở Syria
Tiêm kích Nga chặn máy bay không người lái Mỹ ở Syria

Kể từ khi bắt đầu các hoạt động quân sự tại Syria, các máy bay tiêm kích Nga ít nhất đã 3 lần chặn máy bay không người lái (UAV) của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN