Ngày 27/12, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên tại Syria và không ủng hộ bất cứ bên nào trong cuộc xung đột đã kéo dài 21 tháng tại quốc gia Trung Đông này. Người phát ngôn bộ trên cho giới truyền thông biết Nga không loại trừ khả năng liên lạc với Liên minh Dân tộc đối lập của Syria. Theo người phát ngôn này, Nga không bác bỏ việc đối thoại đó và đang can dự rất tích cực với tất cả các bên.
Tình hình tại Syria đang diễn biến theo kịch bản tồi tệ nhất và theo Moscow, việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể tiếp tục cương vị lãnh đạo hay không phụ thuộc vào quyết định của người dân nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng tái khẳng định quan điểm của Moscow rằng xung đột vũ trang tại Syria không thể được giải quyết bằng các giải pháp quân sự.
Hiện trường vụ không kích của quân chính phủ gần một hiệu bánh mỳ ở thị trấn Halfaya thuộc tỉnh miền trung Hama (Syria), ngày 23/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cùng ngày, một phái đoàn Chính phủ Syria dẫn đầu là Thứ trưởng Ngoại giao Faissal Muqdad đã có những cuộc trao đổi với giới chức Nga. Cả hai bên không đưa ra bình luận sau cuộc gặp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng từ chối trả lời trực tiếp một câu hỏi của giới truyền thông về việc các tàu chiến Nga phải chăng đang tới Syria để sơ tán công dân Nga ở nước này. Theo người phát ngôn, đây là một "chủ đề nhạy cảm" song cũng nhấn mạnh sự an toàn của các công dân Nga ở nước ngoài là ưu tiên hàng đầu.
Trong một diễn biến liên quan, trong tuyên bố đưa ra ngày 27/12, phe đối lập tại Syria tuyên bố không chấp nhận Tổng thống al-Assad trong tiến trình chuyển giao chính trị. Người phát ngôn Liên minh Dân tộc đối lập của Syria, Walid al-Bunni, nêu rõ lực lượng này sẽ chỉ chấp nhận các giải pháp chính trị khi giải pháp đó loại bỏ Tổng thống al-Assad và những thành viên trong gia đình ông. Điều kiện đầu tiên đó là những người này phải rời khỏi Syria.
Trong khi đó, ngày 27/12, một phó phát ngôn của Bộ Ngoại giao Pháp nói rằng Tổng thống Syria Assad "không thể có vai trò nào" trong tiến trình chuyển giao chính trị của quốc gia này vì "phải chịu trách nhiệm" cho 45.000 nạn nhân thiệt mạng trong cuộc xung đột. Tuyên bố trên của Paris được đưa ra sau khi đặc phái viên quốc tế Lakhdar Brahimi kêu gọi cần có "thay đổi thực sự" tại Syria và thiết lập một chính phủ chuyển tiếp với quyền lực đầy đủ cho đến khi các cuộc bầu cử có thể được tiến hành.
Trong một động thái liên quan, truyền thông Israel ngày 27/12 đưa tin Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu đã hội đàm với Quốc vương Jordan Abdullah II ở Amman mới đây để thảo luận về tình trạng bạo lực ở Syria và kho vũ khí hóa học của Damascus.
Đài phát thanh và một số tờ báo địa phương cho hay các quan chức Israel và Jordan đã xác nhận thông tin về cuộc hội đàm trên, lần đầu tiên được đăng tải trên nhật báo "Al-Quds al-Arabi" ngày 26/12. Thời điểm diễn ra cuộc hội đàm không được nhắc tới song theo tuyền thông Israel, cuộc hội đàm đã tập trung vào mối đe dọa từ kho vũ khí hóa học của Syria đối với toàn khu vực.
Tờ nhật báo "Yediot Aharonot" cho hay hai bên đã cùng xem xét các bản đồ, trong đó đánh dấu các khu vực cất giấu vũ khí hóa học bị cấm trên toàn lãnh thổ Syria".
Chính phủ Anh vừa quyết định viện trợ thêm 15 triệu bảng (khoảng 24 triệu USD) để hỗ trợ hàng chục nghìn người dân Syria đang bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột. Động thái này được đưa ra sau khi Liên hợp quốc hồi tuần trước lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay hỗ trợ những người dân Syria. Với khoản viện trợ mới này, tổng số tiền mà Chính phủ Anh dành cho các hoạt động nhân đạo ở Syria đã lên tới ,5 triệu bảng (tương đương 110 triệu USD).
Số tiền nói trên sẽ được dùng để mua chăn và áo rét cho 56.000 người Syria, cung cấp nước uống, lương thực và thuốc men cho khoảng 66.000 người dân ở đây. Ngoài ra, các tổ chức nhân đạo cũng sẽ nhận được 8 chiếc xe bọc thép để tăng cường sự an toàn cho các nhân viên đang hoạt động ở Syria, do tình hình an ninh ở nước này ngày càng xấu đi.
TTXVN/Tin tức