Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: "Khi tình hình toàn cầu tiếp tục xấu đi, chúng tôi muốn Nga và Mỹ, (là những quốc gia) chịu trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì an ninh quốc tế, ngồi vào bàn đàm phán để đưa ra một 'phương trình an ninh' mới sẽ tính đến tất cả các yếu tố ổn định chiến lược và công nghệ quân sự hiện đại”. Theo ông Lavrov, Nga đang đợi chính quyền mới của Mỹ xác định cách tiếp cận đối với tương lai Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn 3 (New START) và các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí nói chung.
Ngoại trưởng Nga khẳng định: “New START vẫn là công cụ luật quốc tế cuối cùng để cùng hạn chế tiềm năng tên lửa hạt nhân của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất (thế giới) và làm cho các hoạt động trong lĩnh vực này có thể dự đoán và kiểm chứng được. Tôi lưu ý rằng hiệp ước sẽ hết hạn vào tháng Hai năm sau. Chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng gia hạn hiệp ước này mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, để nguyên như vậy, lên đến 5 năm. Nó sẽ giúp có thể duy trì mức độ minh bạch hiện nay trong mối quan hệ chiến lược với Mỹ”.
New START giữa Nga và Mỹ được hai cựu Tổng thống Nga và Mỹ, ông Dmitry Medvedev và ông Barack Obama ký vào năm 2010 và chính thức có hiệu lực vào ngày 5/2/2011 và hết hạn vào ngày 5/2/2021. Các điều khoản trong hiệp ước này quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình sau 7 năm kể từ khi ký hiệp ước và tiếp sau đó tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai.