Bắc Kinh kịch liệt bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc “thao túng tiền tệ” và tuyên bố ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ sau khi Nhà Trắng thông báo kế hoạch áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD từ tháng 9 tới.
Đài Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin đưa tin các mặt hàng Nga sẵn sàng thế chỗ nông sản và các mặt hàng khác của Mỹ tại những mảng thị trường bị bỏ trống ở Trung Quốc do thương chiến Mỹ-Trung tạo ra.
Bộ trưởng Oreshkin phát biểu trong một cuộc họp tại Cộng hòa Altai ngày 7/8: “Không giống những đối tác Mỹ, Trung Quốc nhận ra Nga là một nhà cung cấp các sản phẩm đáng tin cậy. Những gì họ trước đây thường mua của Mỹ, chúng tôi đã tích cực thương lượng với các đối tác Trung Quốc về nông sản và các mặt hàng khác, với mục đích hướng Trung Quốc sang thị trường Nga”.
Vị quan chức này dự đoán Trung Quốc sẽ đối mặt với một vài khó khăn trong việc điều chỉnh trước cuộc đối đầu thương mại với Mỹ, song “theo xét theo quan hệ song phương, Nga và Trung Quốc sẽ đi tiếp”.
“Nền kinh tế Trung Quốc sẽ trải qua các thời kỳ không phải huy hoàng nhất, nhưng chúng tôi hy vọng điều đó sẽ không tác động tiêu cực tới mối quan hệ của Nga với quốc gia này. Doanh số thương mại giữa hai nước đang tăng lên, 108 tỷ USD vào năm ngoái, với những động lực tích cực có thể nhìn thấy trong năm nay”, Bộ trưởng Oreshkin nói thêm.
Trong nửa đầu năm 2019, thương mại Nga-Trung đạt 51,77 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng gần 25% trong năm 2018, cao hơn 8 tỷ USD so với mục tiêu 100 tỷ USD đã đặt ra trước đó. Hai nước hiện có kế hoạch tăng gấp đôi kim ngạch thương mại trong những năm tới.
Tuyên bố của Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga được đưa ra trong bối cảnh đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc tiếp tục lao dốc, hạ xuống còn 7,04 NDT/USD, mức thấp nhất trong 11 năm nay.
Ngày 5/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc “thao túng tiền tệ”. Vài giờ sau, Bộ Tài chính Mỹ chính thức liệt Trung Quốc là quốc gia “thao túng tiền tệ” và cam kết làm việc với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ những “lợi thế cạnh tranh không công bằng” của Trung Quốc.
Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích tuyên bố của Mỹ, cáo buộc quốc gia phương Tây “coi thường sự thật” và cảnh báo các tuyên bố của Washington sẽ đem đến “bất ổn cho thị trường tài chính” cũng như làm tổn hại nền kinh tế toàn cầu.
Sáng 6/8, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố các công ty Trung Quốc đã ngừng mua nông sản Mỹ và cho biết Bắc Kinh sẽ xem xét áp thuế đối với hàng hóa được mua sau ngày 3/8, một động thái đáp trả đòn thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Trump.
Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ nêu lý do áp thêm thuế quan lên Trung Quốc là do Bắc Kinh không đáp ứng cam kết mua số lượng lớn nông sản của Mỹ mặc dù đồng ý làm như vậy tại cuộc họp thượng đỉnh bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6. Lệnh thuế quan của Trung Quốc đối với mặt hàng nông sản của Mỹ, bao gồm đậu nành và lúa mì, đã dập tắt nỗ lực hỗ trợ của Tổng thống Trump đối với khu vực đai trang trại Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng phát từ giữa năm 2018, khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD. Mục đích là khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại 400 tỷ USD mà ông tuyên bố là do “hành vi thương mại không công bằng” của Trung Quốc gây ra.
Cùng với áp thêm thuế nhập khẩu, Mỹ đã liệt tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei vào danh sách đen, cáo buộc công ty cài đặt quyền “cửa sau” trong các thiết bị để hỗ trợ tình báo Trung Quốc theo dõi người dùng trên toàn thế giới. Trung Quốc nhiều lần bác bỏ lời cáo buộc này. Tháng trước, Huawei liên hệ với một số công ty công nghệ Nga, đấu thầu để mua lại và thành lập liên doanh, đồng thời công bố kế hoạch tăng doanh số bán hàng tại Nga trong những năm tới.