Ngoại trưởng Lavrov ngày 26/9 nói rằng các quan chức Nga đang triển khai biện pháp trả đũa. Hãng TASS dẫn lời nhà ngoại giao 69 tuổi cho biết: “Chúng tôi sẽ chuẩn bị một số biện pháp. Đừng lấy mất cơ hội gây bất ngờ của chúng tôi”.
Mỹ đã từ chối cấp thị thực cho 10 quan chức ngoại giao, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev. Tất cả những nhà ngoại giao này đã không thể đến New York, nơi đặt trụ sở Liên hợp quốc để dự kỳ họp. Ông Kosachev cho rằng không có bất cứ giải thích hoặc lý do chính đáng nào cho quyết định không cấp thị thực của Mỹ.
Sau đó, Ngoại trưởng Lavrov đã đề cập vấn đề này với người đồng cấp Mỹ khi hai quan chức ngoại giao hàng đầu này gặp nhau tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Điện Kremlin cũng đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman yêu cầu lý giải nguyên nhân dẫn đến quyết định cấm cấp thị thực. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết cấp phó của Đại sứ Jon Huntsman đã trình diện thay vì ông này.
Bộ Ngoại giao Mỹ trong khi đó chưa phản hồi về vụ việc và chỉ cho biết cơ quan này xem xét “đơn xin thị thực theo từng trường hợp, phù hợp với bổn phận và các luật hiện hành”.
Ngày 25/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Mỹ đã gửi lại đơn xin thị thực của quan chức ngoại giao Nga bởi "chúng được gửi quá sớm". Bà Zakharova đánh giá động thái này cho thấy Mỹ “không tôn trọng các thành viên của Liên hợp quốc”.
Vụ việc Mỹ không xét duyệt thị thực cho 10 nhà ngoại giao còn khiến các nghị sĩ Nga đề nghị chuyển trụ sở của Liên hợp quốc rời xa New York. Nghị sĩ Nga Natalya Poklonskaya còn lên tiếng cho rằng có thể chuyển trụ sở Liên hợp quốc tới thành phố nghỉ dưỡng Yalta của Crimea.