Cả thượng viện và hạ viện của Nga, Hội đồng Liên bang và Duma Quốc gia, dự kiến sẽ quyết định đình chỉ tư cách tham gia của Moskva vào Đại hội đồng Nghị viện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vào ngày 3/7.
Tuy nhiên, việc nước này rút khỏi OSCE hiện không được thảo luận vì Nga có quyền quay trở lại nếu các điều kiện cho phái đoàn của nước này được cải thiện, các thành viên quốc hội được tờ Izvestia (Nga) phỏng vấn cho biết.
Vladimir Dzhabarov, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga, chỉ ra rằng kể từ năm 2022, Nga phải đối mặt với nhiều trở ngại ngày càng tăng từ tổ chức này, chẳng hạn như các thành viên phái đoàn bị từ chối thị thực nhập cảnh và quyền phát biểu.
Trong khi đó, Konstantin Kosachev, một thành viên của Ủy ban Hội đồng Liên bang Nga về các vấn đề quốc tế, lưu ý rằng "OSCE gần đây đã ngừng giải quyết các vấn đề chung, trở thành phương tiện để phương Tây áp đặt quan điểm của mình lên tất cả những thành viên khác".
Thượng nghị sĩ Nga Kosachev nêu rõ: "Không phải chúng tôi đã thay đổi mà là tổ chức đã thay đổi từ bên trong và thực sự bị phá hủy. Chắc chắn là không có ý nghĩa gì khi Nga làm việc trong một tổ chức không còn là nền tảng để cân bằng và hài hòa giữa các chủ thể. Nếu và khi Đại hội đồng Nghị viện OSCE tạo ra các điều kiện bình thường cho công việc của chúng tôi, nếu và khi chúng tôi nhận được sự đảm bảo và nguyên tắc đồng thuận được thiết lập trong tổ chức, thì quyết định rút khỏi có thể được xem xét lại".
Nhận định về vấn đề trên, Alexey Fenenko, Giáo sư Khoa An ninh Quốc tế tại Khoa Chính trị Thế giới của Đại học Tổng hợp Moskva, cho rằng mọi thứ đang hướng đến việc Nga dần rút khỏi OSCE. "Sau tuyên bố gây chú ý của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov vào năm 2004 rằng OSCE trong hình dạng hiện tại không phù hợp với chúng tôi, Nga đã cố gắng thúc đẩy nhiều cải cách khác nhau của tổ chức này. Nhưng điều này hoàn toàn không hiệu quả", chuyên gia trên giải thích.