“Chúng tôi không chỉ ngừng cung cấp các động cơ tên lửa RD-180 cho Mỹ, mà còn từ chối bảo dưỡng các động cơ còn lại. Chúng tôi đang nói về 24 động cơ nữa”, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga cho biết.
Kể từ giữa những năm 1990, Nga đã cung cấp 122 động cơ RD-180 cho tên lửa đạn đạo liên lục địa Atlas của Mỹ. Trong đó, 98 động cơ đã được sử dụng.
Ông Rogozin cũng thông báo rằng Nga sẽ chấm dứt hợp tác về các thí nghiệm tại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) với Đức. Ông Rogozin nói: "Xét những hành động hoàn toàn không thể chấp nhận được của các đồng nghiệp Đức, đặc biệt là Trung tâm Hàng không và Vũ trụ Đức, tôi đã ngừng hoạt động một trong những kính thiên văn của đài quan sát không gian Spektr-RG. Đài quan sát này nằm cách Trái Đất khoảng 1,5 triệu km”. Ông cho biết thêm rằng Nga có tất cả nguồn lực cần thiết để tự mình tiến hành nghiên cứu không gian.
Spektr-RG, do Nga hợp tác với Đức chế tạo, là đài quan sát không gian thay thế Spektr-R, có biệt danh “Hubble của Nga”. Spektr-RG có nhiệm vụ quan sát các hố đen, sao neutron và trường điện từ, cung cấp thêm thông tin giúp con người hiểu sâu hơn về quá trình giãn nở của vũ trụ.
Theo người đứng đầu Roscosmos, chương trình vũ trụ của Nga sẽ phải điều chỉnh một số thứ. Ông cho biết rằng quốc gia này sẽ tập trung vào việc chết tạo các vệ tinh phù hợp với lợi ích của cả Roscosmos và Bộ Quốc phòng Nga. Ông nhấn mạnh cơ quan vũ trụ đảm bảo rằng các vệ tinh mà họ tạo ra sẽ đáp ứng mục tiêu kép và phù hợp với điều kiện của đất nước hiện nay.
Roscosmos là một trong số nhiều thực thể phải đối mặt với làn sóng trừng phạt chống lại Nga, sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trước đó cùng ngày, cơ quan vũ trụ này cũng tiết lộ rằng 56 nhân viên Nga đã rời Trung tâm vũ trụ ở Guiana của Pháp, sau khi Roscosmos dừng hợp tác với Liên minh châu Âu để đáp trả các lệnh trừng phạt.
Hôm 2/3, người đứng đầu tập đoàn vũ trụ Roscosmos cũng bác bỏ tuyên bố cho rằng các vệ tinh của Nga và Trung tâm kiểm soát của Roscosmos đã bị “tấn công”. Đồng thời, vị quan chức này cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công mạng nào nhằm vào các vệ tinh của nước này đều là hành động khơi mào chiến tranh. Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi các tài khoản mạng xã hội cáo buộc một nhóm tin tặc liên kết với nhóm tin tặc Anonymous đã đánh sập trung tâm kiểm soát của Roscosmos. Ông khẳng định tất cả các trung tâm vệ tinh của Roscosmos đều hoạt động bình thường.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các trang web của Nga đã hứng chịu nhiều cuộc tấn công của tin tặc. Roscosmos cũng đã thông báo về các cuộc tấn công nhằm vào trang web của cơ quan vũ trụ này trong các ngày 26 và 27/2.