Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, nội dung chính của luật mới là giảm thời hạn ký hợp đồng lao động với người nước ngoài xuống còn 2 năm. Luật mới cũng xác định chi tiết hơn nghĩa vụ và quyền lợi của chủ lao động.
Theo luật mới, một người lao động di cư được ký hợp đồng thời hạn 2 năm với một chủ lao động. Theo các tác giả dự luật, 2 năm là thời gian đủ để kết thúc một dự án cần thuê chuyên gia. Nếu vẫn có nhu cầu, người sử dụng lao động sẽ có thể tìm người thông qua cơ chế tuyển dụng. Bộ Lao động Nga giải thích thêm, nếu hợp đồng lao động hết thời hạn, người lao động sẽ phải rời khỏi đất nước đúng hạn.
Ngoài Bộ Nội vụ, một công ty luật sẽ được thành lập để giám sát việc lưu trú của người nước ngoài tại LB Nga. Công ty này đóng vai trò là nhà điều phối việc tuyển dụng, thực chất sẽ là trung tâm cung cấp nhân sự cho các công ty Nga.
Chủ tịch Ủy ban Đuma quốc gia về lao động và chính sách xã hội Yaroslav Nilov cho biết vấn đề an ninh phải đặt lên hàng đầu. Ông này cũng ủng hộ việc siết chặt quản lý và giám sát việc lưu trú và di chuyển của người lao động nhập cư tại Nga, thậm chí áp dụng biện pháp kiểm soát vân tay tại tất cả các cửa khẩu biên giới.
Tuy nhiên khối doanh nghiệp là các chủ thuê lao động tiềm năng lại có ý kiến rằng hiện Nga đang rất thiếu lao động, và lao động nhập cư đang là nguồn lực đáng kể để triển khai các chính sách xây dựng công nghiệp và dân sự tại Nga, thêm vào đó 2 năm là thời hạn quá ngắn đối với các dự án lớn cần thuê lao động đến con số hàng nghìn người.
Hiện Đuma quốc gia Nga đã nhận được một số dự luật siết chặt luật di cư. Người lao động nhập cư tại Nga đến từ nhiều quốc gia, trong đó khoảng 90% là các nước Trung Á, ngoài ra còn có các nước châu Âu, nơi chủ yếu cung cấp các chuyện gia có trình độ cao. Mặt khác, theo số liệu của Viện nghiên cứu nhân khẩu học Viện Hàn lâm khoa học Nga, đến tháng 2 năm nay Nga có 4 triệu lao động nhập cư bất hợp pháp, còn Tổng công tố Igor Krasnov cho biết số vụ vi phạm do người nhập cư gây ra trong năm 2023 đã tăng tới 75%, vào khoảng 22.000 vụ.