Nga tái khẳng định trưng cầu ý dân ở Crimea hoàn toàn hợp pháp

Theo thông báo của Điện Kremlin, tối 16/3, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa khẳng định cuộc trưng cầu ý dân ở Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine về tương lai của khu vực này là hoàn toàn hợp pháp.

Trong cuộc điện đàm do phía Mỹ khởi xướng, đáp lại tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barak Obama cho rằng cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea "vi phạm Hiến pháp Ukraine", người đứng đầu Nhà nước Nga nêu rõ cuộc trưng cầu này được tổ chức theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như tính đến "tiền lệ nổi tiếng Kosovo" (ám chỉ đến việc tỉnh Kosovo trực thuộc CH Serbia đơn phương tuyên bố độc lập năm 2008 đã được hơn 100 nước, bao gồm Mỹ và hầu hết các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, công nhận).

Những người ủng hộ việc Crimea sáp nhập vào Nga mừng chiến thắng tại Sevastopol sau khi có kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: AFP-TTXVN


Tổng thống Nga nhấn mạnh trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 16/3, người dân trên bán đảo Crimea được bảo đảm tự do bày tỏ ý chí và quyền tự quyết của mình.

Ông Putin cũng lưu ý tới việc chính quyền hiện nay ở Kiev "không có khả năng" và "không muốn" ngăn chặn hành động hung bạo của các nhóm dân tộc chủ nghĩa và cực đoan ở Ukraine, đang gây bất ổn tình hình và "khủng bố" người dân, trong đó có người Ukraine nói tiếng Nga và kiều dân Nga ở nước này.

Do đó, cần tính tới khả năng cử phái đoàn giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tới Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Nga, bất cứ sứ mệnh giám sát nào của OSCE cần bao quát “tất cả các khu vực của Ukraine”, chứ không phải chỉ Crimea.

Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết 2 nhà lãnh đạo Nga và Mỹ cũng nhất trí rằng bất chấp những bất đồng trong cách đánh giá vấn đề, 2 bên cần cùng nhau tìm kiếm những biện pháp để bình ổn tình hình ở Ukraine.

Trong khi đó, theo thông báo của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Barak Obama tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea được thực hiện "dưới sự can thiệp quân sự của Nga", vì thế sẽ không được Mỹ và cộng đồng quốc tế công nhận.

Ông Obama cáo buộc Nga "vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine" và tuyên bố sẽ phối hợp với các đối tác châu Âu chuẩn bị các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga. Tuy nhiên, ông Obama nhấn mạnh vẫn còn một con đường rõ rệt để giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng biện pháp ngoại giao, theo cách thức đảm bảo lợi ích của cả Nga và Ukraine.

Trong một tuyên bố chung công bố chiều 16/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso cho rằng cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea là "bất hợp pháp và không chính đáng", đồng thời khẳng định EU sẽ không công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu này.

Anh, Pháp và Đức lặp lại tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Anh William Hague rằng Moskva phải đối mặt "những hậu quả kinh tế và chính trị". Các ngoại trưởng EU sẽ nhóm họp trong ngày 17/3 để quyết định có áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga, như phong tỏa tài khoản và ngừng cấp thị thực hay không, cũng như danh sách các đối tượng chịu sự trừng phạt này. Các biện pháp tiếp theo sẽ được đưa ra tại cuộc họp thượng đỉnh EU vào ngày 20/3 tới.

Cũng trong ngày 16/3, Nga tuyên bố không điều chỉnh chính sách đối ngoại, kiên định lập trường về vấn đề Ukraine, bất chấp tuyên bố cứng rắn mới đây của các đối tác khác trong Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-8, ngoài Nga có Anh, Đức, Italy, Canada, Mỹ, Pháp và Nhật Bản).

Phát biểu tới báo giới tại thủ đô Moskva của Nga, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rõ tuyên bố của các đối tác trong G-8 không phải là lý do để Nga điều chỉnh chính sách đối ngoại.

Ông Peskov nhấn mạnh từ khi xảy ra khủng hoảng chính trị ở Ukraine, chưa nước nào áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Nga, đồng thời cho biết Moskva vẫn đang hợp tác với các đối tác trong G-8 theo cách thức "có trật tự". Ông khẳng định Nga sẽ đánh giá những nguy cơ và hậu quả do những biện pháp trừng phạt gây ra không chỉ đối với cả Nga mà các đối tác của mình.

Trước đó, ngày 3/3, các đối tác của Nga trong G-8 tuyên bố tạm ngừng tham gia chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của nhóm, dự kiến diễn ta tại thành phố Sochi của Nga vào đầu tháng 6 tới, để phản đối hành động của Nga đối với Ukraine và kêu gọi Moskva đàm phán trực tiếp với Kiev.

Tuy nhiên, các đối tác của Nga trong G-8 không kêu gọi tẩy chay hội nghị, đồng nghĩa kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-8 không bị hủy bỏ.


TTXVN/Tin tức

Kết quả chính thức cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea
Kết quả chính thức cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea

96,6% cử tri ở Crimea đã bỏ phiếu chọn sáp nhập Liên bang Nga trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3 về vị thế của nước Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN