Chiếc máy bay chở khách của Nga được chế tạo gần như hoàn toàn bằng các bộ phận sản xuất trong nước đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 29/8. Sự kiện này đã giúp cổ phiếu của Cục Thiết kế Ykovlev và Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) trên Sàn giao dịch Moskva tăng vọt.
Do Ykovlev thiết kế và UAC sản xuất tại nhà máy Komsomolsk-na-Amure, chiếc Sukhoi Superjet 100 (SSJ-100) mới là máy bay thân hẹp với tầm bay 4.578km có thể chở 87 đến 108 hành khách tùy thuộc vào cấu hình chỗ ngồi.
SSJ-100 ra đời nhằm mục đích cạnh tranh với dòng Embraer E190 thân hẹp, tầm ngắn và tầm trung của Brazil trên thị trường toàn cầu.
Trong chuyến bay thử nghiệm kéo dài 53 phút, SSJ-100 đã đạt độ cao tối đa 3.000 mét và tốc độ 343km/h. Bộ Công Thương Nga cho biết, thử nghiệm xác nhận hoạt động ổn định của tất cả các hệ thống cũng như khả năng điều khiển và ổn định của máy bay trong chuyến bay này.
SSJ-100 đời đầu được chế tạo phần lớn bằng các bộ phận và linh kiện của nước ngoài, phiên bản “nhập ngoại” này cất cánh lần đầu tiên vào năm 2008.
Nhưng khoảng 40 hệ thống và linh kiện nhập khẩu đã được thay thế bằng các thiết bị thay thế do Nga sản xuất trong phiên bản mới.
Các bộ phận được sản xuất trong nước bao gồm thân máy bay, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống điều khiển chuyến bay và bộ nguồn phụ cũng như nguồn điện, điều hòa không khí và thiết bị phòng cháy chữa cháy trong cabin máy bay.
Động cơ SaM-146 do liên doanh giữa công ty Safran Aircraft Engines của Pháp và công ty con Saturn của tập đoàn Nga United Engine Corporation (UEC) sản xuất đã được sử dụng để tăng tốc chương _ trình thử nghiệm. Tuy nhiên, đông cơ này sẽ được thay thế bằng động cơ PD-8 được sản xuất hoàn toàn nội địa Nga bởi UEC-Saturn “trong tương lai gần” – theo truyền thông Nga..
Máy bay SSJ-100 trang bị động cơ PD-8 sẽ cần được thử nghiệm riêng. Lịch trình ban đầu yêu cầu chứng nhận vào cuối năm 2023, nhưng ông Andrey Velichko, người đứng đầu cổng thông tin điện tử Hàng không Nga, cho rằng đến tháng 8 năm sau là khung thời gian thực tế hơn. Việc chuyển giao hàng cho Aeroflot và các hãng hàng không nội địa khác cũng đã được lên kế hoạch.
SSJ-100 được so sánh với máy bay chở khách COMAC C919 của Trung Quốc.
C919, thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 5 năm ngoái, được lắp ráp tại Trung Quốc nhưng các bộ phận chính được mua từ các nhà cung cấp nước ngoài, bao gồm các công ty hàng không vũ trụ lớn của Mỹ và liên doanh của họ ở Trung Quốc.
Chúng bao gồm động cơ phản lực cánh quạt LEAP của CFM International - một liên doanh giữa GE Aviation và Safran; hệ thống điện tử hàng không và cabin của Collins Aerospace; điều khiển bay, bánh xe và phanh từ Honeywell; và bộ thủy lực, truyền động và hệ thống nhiên liệu từ Parker Aerospace.
Các nhà thầu phụ Trung Quốc cung cấp thân, cánh, các bộ phận được rèn đúc cũng như các bộ phận và vật liệu cơ bản khác của C919. Động cơ CJ-1000A do Tập đoàn Động cơ Hàng không Trung Quốc phát triển, được cho là đã trải qua các chuyến bay thử nghiệm vào tháng 3 năm ngoái. Chứng nhận cho C919 có thể được cấp trong năm 2025.
Chương trình thay thế nhập khẩu máy bay của Nga bắt nguồn từ việc Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ áp đặt các hạn chế xuất khẩu các sản phẩm có ứng dụng quân sự sang Nga trước cuộc xung đột Ukraine.
Vào tháng 9/2018, các hạn chế đã được áp dụng đối với việc bán vật liệu sợi carbon cho tập đoàn AeroComposite của Nga, một công ty con của UAC. Hai năm sau, vào tháng 12/2021, nhà sản xuất máy bay Irkut của Nga đã hoàn thiện chiếc máy bay chở khách đầu tiên với cánh được làm từ vật liệu thay thế do AeroComposite sản xuất.
Sergei Chemezov, Giám đốc điều hành của tập đoàn quốc phòng nhà nước Rostec, nói: “Tôi muốn lưu ý rằng các chuyên gia của Irkut có thể giải quyết vấn đề thay thế nhập khẩu trong thời gian ngắn nhất có thể. Đây là bằng chứng cho thấy sự trưởng thành của công nghệ hàng không của chúng tôi và một chiến thắng khác trước các lệnh trừng phạt.”
UAC được thành lập năm 2006 thông qua việc sáp nhập các nhà sản xuất máy bay Nga Ilyushin, Irkut, Mikoyan, Sukhoi, Tupolev và Yakolev – đều là những cái tên có từ thời Liên Xô. Công ty được sở hữu 92,3% bởi Rostec, hay Tập đoàn Nhà nước Nga về Xúc tiến Phát triển, Sản xuất và Xuất khẩu các Sản phẩm Công nghệ Cao.
Vốn là một nhà thầu quốc phòng, Rostec đã bị Mỹ và EU trừng phạt sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Những lệnh trừng phạt đó dường như cũng không thành công. Vào ngày 1/9/2023, Rostec thông báo rằng họ đã phát triển giải pháp phần mềm vạn vật kết nối Internet “được thiết kế để kiểm soát trạng thái của vũ khí, máy móc chuyên dùng và các vật thể quân sự – từ tàu và phương tiện đến bệnh viện và đồn trú – và để tạo ra bản sao kỹ thuật số của chúng”.
Vào tháng 3/2022, ngay sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, tập đoàn Airbus của Pháp và Boeing của Mỹ đã ngừng hoạt động tại Nga. Việc bán máy bay và phụ tùng, hỗ trợ kỹ thuật và bảo trì đều chính thức chấm dứt theo lệnh trừng phạt của EU và Mỹ. Khoảng 70% máy bay chở khách hoạt động ở Nga bị ảnh hưởng.
Vào tháng 8/2023, Reuters đưa tin rằng các bộ phận trị giá ít nhất 1,2 tỷ USD đã được chuyển đến các hãng hàng không Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Tajikistan, Kyrgyzstan và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov tuyên bố vào tháng 6 rằng Nga cần đảm bảo chủ quyền công nghệ đối với các bộ phận và công nghệ quan trọng trong ngành hàng không.
Rostec cũng đang chuẩn bị đẩy mạnh sản xuất phiên bản nội địa của máy bay chở khách Tupolev TU-214 tại Nhà máy Hàng không Gorbunov Kazan ở Tatarstan.
Tháng 2 năm ngoái, Alexander Neradko, tổng giám đốc Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga, nói với truyền thông rằng máy bay Airbus và Boeing do các hãng hàng không Nga vận hành có thể tiếp tục hoạt động cho đến năm 2030 nếu được bảo trì đúng cách.
Khoảng thời gian đó sẽ đủ để chúng được thay thế bằng máy bay hoàn toàn sản xuất trong nước.