Phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Moskva, Ngoại trưởng Nga cho biết nếu các nước phương Tây nêu đề xuất về việc nối lại quan hệ thì Nga sẽ cân nhắc thận trọng. Theo ông, trước sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã nỗ lực tìm cách thay thế các nguồn hàng vốn thường nhập khẩu từ các nước này. Quan chức ngoại giao Moskva nhấn mạnh Nga phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung của phương Tây để đảm bảo phát triển một số lĩnh vực tối quan trọng như an ninh, kinh tế hoặc xã hội và trong tương lai Nga sẽ thúc đẩy quan hệ với các nước đáng tin cậy. Mục tiêu của Nga hiện nay là tiếp tục phát triển các mối quan hệ với Trung Quốc và tin tưởng quan hệ kinh tế song phương sẽ phát triển nhanh hơn. Bên cạnh việc tạo ra nguồn thu ngân sách trực tiếp, Moskva cho rằng đây là cơ hội để phát triển các vùng cực Đông của Nga và vùng Siberia ở phía Đông.
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước phương Tây đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt nhằm cô lập nước này. Liên minh châu Âu (EU), với phần lớn các quốc gia thành viên phụ thuộc năng lượng vào Nga, cũng đang thảo luận về biện pháp cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa nhận được sự đồng thuận của một số quốc gia thành viên, trong đó có Hungary. Budapest chỉ chấp nhận kế hoạch khi các yêu cầu của nước này về tăng đầu tư cho năng lượng được đáp ứng. Hiện EU đề xuất gói hỗ trợ 2 tỷ euro (2,14 tỷ USD) cho các nước Trung và Đông Âu tìm nguồn cung thay thế năng lượng Nga.
Ngày 23/5, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết các nước EU đặt mục tiêu nhất trí về vấn đề này trong vài ngày tới. Tuy nhiên, ông cho rằng lệnh cấm trên có thể dẫn tới tình trạng tăng giá dầu toàn cầu giống như khi Mỹ tuyên bố biện pháp tương tự. Việc tăng giá dầu lại giúp Nga có thêm thu nhập dù xuất khẩu ít đi. Do đó, hiện Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, và Mỹ đang phối hợp xây dựng một đề xuất để kiềm chế giá dầu mỏ toàn cầu bằng cách sẽ "không trả giá" cho mặt hàng này nữa. Dù thừa nhận đây là một biện pháp bất thường nhưng Bộ trưởng Đức tin rằng đây là điều cần thiết trong "thời điểm không bình thường" và nêu rõ cách làm này chỉ hiệu quả nếu nhiều nước cùng tham gia.
Cũng trong ngày 23/5, Ba Lan thông báo đã chính thức hủy hợp đồng cung cấp khí đốt với Nga thông qua đường ống dẫn Yamal. Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan Anna Moskwa cho biết theo dự kiến ban đầu, hợp đồng này kết thúc vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Ba Lan công bố kế hoạch nhằm chấm dứt nhập khẩu than đá, khí đốt và dầu mỏ của Nga. Ở chiều ngược lại, tháng 4 vừa qua, Nga cũng thông báo dừng vận chuyển khí đốt vì Ba Lan từ chối thanh toán hợp đồng bằng đồng ruble. Do đó, bà Moskwa cho rằng quyết định hủy hợp đồng nêu trên là "đương nhiên".