Tàu CCG số hiệu 31239 của Trung Quốc tại vùng biển gần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông ngày 3/3/2014. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trở lại với sự việc diễn ra 2 tuần trước, vào rạng sáng 9/6, một tàu khu trục nhỏ của Hải quân Trung Quốc đã di chuyển gần quần đảo tranh chấp Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) trên Biển Hoa Đông.
Theo Reuters, 2 giờ sáng cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo, bày tỏ quan ngại sâu sắc trước vụ việc mà truyền thông Nhật Bản cho là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc tới gần lãnh hải Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thêm một điều đáng nói là khi tàu khu trục Trung Quốc di chuyển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư), lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng phát hiện 3 tàu quân sự Nga hoạt động ở khu vực này.
Lúc đó, người ta chỉ biết là Tokyo đã phát “cảnh báo chú ý” với Nga, nhưng nội dung cảnh báo này ra sao, không ai biết. Vì thế, có cơ quan truyền thông đưa tin rằng “Nhật Bản dường như im lặng với Nga” sau vụ việc ngày 9/6.
Trên thực tế, Tokyo đã làm Moskva “tròn mắt”.
Trong bản tin vừa phát đi, hãng Kyodo dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản ngày 22/6 cho biết sau vụ việc, thông qua kênh ngoại giao, phía Nhật Bản đã chỉ rõ với phía Nga rằng nếu Moskva không cẩn trọng, tiếp tục đi qua vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư, e rằng sẽ bị cuốn vào vấn đề giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Theo Kyodo, thông tin trên cũng được tiết lộ bởi nhiều nhà ngoại giao của cả phía Nhật Bản lẫn phía Nga.
Do Chính phủ Nhật Bản cho rằng tàu chiến Nga-Trung không hợp tác với nhau trong sự kiện ngày 9/6 và hành động của Nga đã bị Trung Quốc lợi dụng phục vụ tuyên bố chủ quyền, cho nên, việc Tokyo quyết định cảnh tỉnh Moskva đã thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận.
Kyodo cho rằng mục đích của Chính phủ Nhật Bản là phát đi tín hiệu cảnh báo với phía Nga rằng vấn đề Senkaku/Điếu Ngư đang phức tạp hóa, Nga cần phải giữ khoảng cách trong vấn đề này.
Sau đó, khi trả lời phỏng vấn bằng văn bản của Kyodo, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ cảm thấy “kinh ngạc” trước phản ứng của Chính phủ Nhật Bản bởi chiến hạm của Nga hoạt động ở “vùng biển quốc tế” mà luật pháp quốc tế cho phép tự do hàng hải.