Nga thông qua luật về tiền số

Ngày 30/7, Duma quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua luật cho phép kể từ ngày 1/9 tới có thể thử nghiệm các thanh toán xuyên biên giới giới và giao dịch trao đổi bằng tiền kỹ thuật số.

Chú thích ảnh
Đồng ruble kỹ thuật số của Nga. Ảnh: coingeek.com/TTXVN

Ngân hàng Trung ương hứa rằng các khoản thanh toán đầu tiên bằng tiền điện tử trong chế độ thử nghiệm sẽ được triển khai trước cuối năm nay.

Người đứng đầu Ủy ban Duma về Thị trường Tài chính Anatoly Akskov cho biết, dự luật mới cho phép giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến thanh toán cho đối tác nước ngoài, hợp pháp hóa một hiện tượng thực tế - cái gọi là khai thác, tức là tạo ra tiền điện tử.

Theo luật mới, Ngân hàng Trung ương được trao thẩm quyền và quản lý về các vấn đề pháp lý thử nghiệm (EPR) trong lĩnh vực lưu thông tiền kỹ thuật số. Ngân hàng trung ương sẽ giám sát hoạt động của những người khởi xướng EPR nhằm xác định các rủi ro gây tổn hại đến quốc phòng và an ninh nhà nước cũng như rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố để thông báo cho Cơ quan An ninh liên bang FSB và Cơ quan giám sát tài chính Rosfinmonitoring trong vòng 10 ngày.

Pháp luật hiện hành của Nga vẫn cấm sử dụng tiền kỹ thuật số trong thanh toán. Còn luật mới cho phép sử dụng tiền điện tử làm phương tiện thanh toán trong các hoạt động ngoại thương trong khuôn khổ EPR. Đồng thời, chương trình EPR phải xác định quyền và nghĩa vụ của những người tham gia các giao dịch thanh toán đó, cũng như các cơ quan và đại lý kiểm soát tiền tệ.

Bắt đầu từ tháng 9, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ tiến hành một loạt thử nghiệm: sử dụng tiền điện tử để thanh toán ngoại thương, thực hiện giao dịch chứng khoán bằng tiền điện tử và tạo nền tảng điện tử cho các giao dịch với tiền điện tử trên nền tảng Hệ thống thanh toán quốc gia.

Cũng trong ngày 30/7, trong lần đọc thứ hai và thứ ba, Hạ viện Nga đã thông qua quy định cho phép hợp pháp hóa hoạt động khai thác tiền điện tử ở Nga từ tháng 11. Các pháp nhân và doanh nhân cá thể (IP) của Nga có đăng ký tại Bộ Phát triển Kỹ thuật số Liên bang Nga sẽ có thể tham gia khai thác. Người Nga không phải là doanh nhân cá thể sẽ có thể khai thác tiền kỹ thuật số mà không cần đăng ký, nếu họ không vượt quá giới hạn tiêu thụ năng lượng do Chính phủ Nga quy định.

Một ngày trước đó, Ủy ban Duma về Thị trường Tài chính đã khuyến nghị Hạ viện thông qua trong lần đọc thứ hai một quy định theo đó tài sản tài chính kỹ thuật số nước ngoài (DFA) sẽ có thể được giao dịch trên nền tảng blockchain của Nga.

Phó chủ tịch Ủy ban Duma về Chính sách Thông tin, Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Anton Gorelkin, cho biết, trước hết Nga coi tiền điện tử là một công cụ để lách các biện pháp trừng phạt và là điểm xuất khẩu công nghệ cao. Theo ông, Nga ngày nay đứng thứ hai thế giới về khai thác tiền kỹ thuật số.

Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương, Elvira Nabiullina, cho biết Nga cũng đang tiến hành đối thoại với một số quốc gia về việc thanh toán xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương.

Ngoài ra, hôm thứ Ba, Duma Quốc gia đã thông qua trong lần đọc thứ hai dự luật cho phép các ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh tại Nga - nhưng không quá một. Sự thay đổi này sẽ tạo điều kiện phát triển hệ thống thanh toán quốc tế và cũng sẽ giúp thu hút đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Nga. Như vậy, một ngân hàng nước ngoài, thông qua chi nhánh tại Liên bang Nga, sẽ có thể thực hiện các hoạt động chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Liên bang Nga sẽ có thể mở, duy trì tài khoản và chuyển tiền thông qua tài khoản - nhưng phải tuân theo các hạn chế được đặt ra cho chúng. Ví dụ, chi nhánh ngân hàng sẽ không được mở tài khoản cho cá nhân. Trong số các giao dịch với cá nhân thông qua chi nhánh tại Liên bang Nga, ngân hàng nước ngoài sẽ chỉ có thể thực hiện mua bán ngoại tệ mà không mở tài khoản ngân hàng, cũng như chuyển khoản mà không mở tài khoản, kể cả tiền điện tử. Các chi nhánh cũng sẽ không thể huy động tiền và kim loại quý từ các cá nhân và pháp nhân, mở và duy trì tài khoản bằng kim loại quý, thực hiện các giao dịch bằng kim loại quý. Họ sẽ bị cấm tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo hiểm.

Gần đây Nga đã thay đổi thái độ đối với tiền kỹ thuật số do các khó khăn trong thanh toán ngoại thương mà những biện pháp trừng phạt gây ra. Năm 2022, Ngân hàng Trung ương đã ủng hộ cấm hoàn toàn việc sử dụng và tạo ra tiền điện tử, nói rằng chúng gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với sự ổn định tài chính và an ninh kinh tế. Từ cuối năm ngoái, Ngân hàng Trung ương đã giảm bớt quan điểm của mình, ủng hộ thử nghiệm sử dụng tiền điện tử và khai thác trong thanh toán xuyên biên giới.

Đồng thời, các chuyên gia có những đánh giá khác nhau về hậu quả của việc hợp pháp hóa tiền điện tử. “Chỉ những nhà xuất khẩu lớn mới có thể đáp ứng các điều kiện được quy định trong luật, điều này sẽ biến thanh toán bằng tiền điện tử thành một “câu lạc bộ khép kín” không bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ: Chỉ những ai tự khai thác tiền điện tử mới có thể giao dịch, có nghĩa là chỉ các công ty lớn ở Nga”, nhà phân tích Anya Aslanyan của Bloomberg cho biết.

Ông Vladimir Shalaev, đối tác của Legal Group cho biết, việc sử dụng tiền điện tử để thanh toán xuyên biên giới sẽ không giải quyết được các vấn đề liên quan đến biện pháp trừng phạt do thanh toán xuyên biên giới dành cho doanh nghiệp bao hàm cơ sở hạ tầng khổng lồ được xây dựng trong nhiều năm và các cơ chế xử lý các khoản thanh toán đó được tập hợp dựa trên kinh nghiệm to lớn có được trước đó.

Tâm Hằng (PV TTXVN tại Moskva)
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý mới cho tiền kỹ thuật số
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý mới cho tiền kỹ thuật số

Hạ viện Mỹ ngày 22/5 đã thông qua một dự luật nhằm tạo ra một khuôn khổ pháp lý mới cho tiền kỹ thuật số, bất chấp cảnh báo bất thường từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) rằng nó có thể tạo ra những rủi ro tài chính mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN