Theo trang Business Insider, các quan chức Điện Kremlin đã bàn về việc áp dụng lại một yêu cầu là các công ty phải bán ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu.
Đề xuất này được đưa ra trong một cuộc họp giữa chính phủ và các nhà xuất khẩu Nga.
Cuộc họp trên diễn ra trước khi Ngân hàng Trung ương Nga tăng tỷ lệ lãi suất chuẩn từ 8,5% lên 12% trong cuộc họp khẩn cấp ngày 15/8 nhằm ngăn chặn giá trị đồng ruble lao dốc.
Nhưng hiện chưa có quyết định nào về yêu cầu trên. Một cuộc họp khác có thể diễn ra vào cuối tuần để xem xét yêu cầu.
Nếu yêu cầu các nhà xuất khẩu bán ngoại tệ thu được, Nga sẽ quay lại biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ mà nước này từng áp đặt vào năm 2022 ngay sau chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Thời điểm đó, sau khi phương Tây đóng băng dự trữ tiền tệ của Nga và loại bỏ nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, Điện Kremlin đã dựa vào một loạt biện pháp kiểm soát vốn, ví dụ như giới hạn chuyển tiền ngoại hối ngân hàng, cũng như tăng lãi suất mạnh để ổn định đồng ruble.
Sau đó, Nga đã nới lỏng một số biện pháp kiểm soát khi đồng ruble hồi phục, nhưng đồng tiền này đã trượt giá tiếp do các biện pháp trừng phạt bổ sung của phương Tây đã ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu trong bối cảnh Nga phải chi nhiều hơn cho chiến dịch ở Ukraine.
Ngày 14/8, giá trị đồng ruble đã giảm xuống mức thấp nhất là 102 ruble mới đổi được 1 USD, nghĩa là mỗi đồng ruble có giá trị chưa đầy 1 xu Mỹ.
Ngày 15/8, đồng ruble đã phục hồi phần nào và giao dịch ở mức 97 ruble đổi 1 USD sau khi Ngân hàng Trung ương Nga nâng lãi suất thêm 3,5 điểm phần trăm lên 12%.
Tuy nhiên, đồng tiền của Nga đã mất giá khoảng 25% so với đồng USD trong năm nay.
Trong thông báo chính thức công bố ngày 15/8, Ngân hàng Trung ương Nga nêu rõ quyết định tăng lãi suất nhằm hạn chế những rủi ro gây mất ổn định giá cả, trong bối cảnh dự báo lạm phát sẽ tiếp tục leo thang. Động thái này được Ngân hàng Trung ương Nga đưa ra sau khi Cố vấn kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin, ông Maxim Oreshkin, kêu gọi thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá đồng ruble.
Lần gần nhất Ngân hàng Trung ương Nga công bố đợt tăng lãi suất khẩn cấp là vào tháng 2/2022, với mức tăng 20% trong bối cảnh xung đột với Ukraine bùng phát. Ngân hàng Trung ương Nga đã từng bước nới lỏng chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất cho vay còn 7,5% trong nửa sau năm 2022 khi lạm phát hạ nhiệt phần nào. Đến tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất ở mức cao hơn dự kiến, thêm 1 điểm % lên 8,5%, trong bối cảnh đồng ruble yếu và áp lực lạm phát cao.
Lạm phát hằng năm của Nga đang ở trên mức mục tiêu của CBR là 4% và có xu hướng tăng nhanh. Tỷ lệ lạm phát giá trung bình tại Nga trong 3 tháng gần nhất là khoảng 7,6%.
Nhà phân tích của ngân hàng Sovcombank, ông Mikhail Vasilyev, nhận định không có dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương Nga sẽ tiếp tục tăng lãi suất, đồng nghĩa tỷ lệ 12% là mức lãi suất tối đa sẽ được duy trì đến cuối năm nay.
Thâm hụt ngân sách và thiếu hụt lao động nghiêm trọng đã góp phần thúc đẩy áp lực lạm phát tại Nga trong năm 2023, song việc đồng ruble trượt giá nhanh chóng so với đồng USD đã buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải có biện pháp cứng rắn hơn. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo sẽ ngừng mua ngoại tệ cho đến cuối năm để thúc đẩy đồng ruble và giảm biến động.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng các biện pháp như vậy vẫn chưa đủ để khắc phục tình hình. Nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Capital Economics (Anh), ông Liam Peach đánh giá đợt tăng lãi suất này chỉ tạm thời hạn chế những thiệt hại, song Nga vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, cũng như dự trữ ngoại hối giảm.