Theo Bloomberg, các cuộc họp giữa Nga và Trung Quốc cùng đề xuất hòa bình Ukraine đã gây ra cảm giác khó chịu trong chính quyền Mỹ, đặt ra câu hỏi Mỹ sẽ phải tiếp cận thế nào với hai nước này trên diện rộng hơn.
Một quan chức chính quyền Mỹ giấu tên nói với Bloomberg rằng Washington đang lo lắng về khả năng rơi vào thế khó vì đề xuất hoà bình cho Ukraine của Trung Quốc. Dù không hoan nghênh, nhưng nếu Mỹ bác bỏ nó có thể giúp Trung Quốc có lý do để nói rằng Mỹ không quan tâm đến hòa bình của Ukraine.
Ông Bonny Lin, thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, nhận định: Nếu Mỹ từ chối đề xuất, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường thông điệp rằng Mỹ phản đối lệnh ngừng bắn, rằng Mỹ phản đối kết thúc chiến tranh.
Cuộc tranh luận tại Mỹ về đề xuất kế hoạch hòa bình Ukraine do Trung Quốc đưa ra gần đây chỉ là một trong nhiều điều mà Mỹ không thoải mái về chuyến thăm Nga ba ngày của ông Tập Cận Bình. Tại Nga, nhà lãnh đạo Trung Quốc được Tổng thống Putin chào đón nồng nhiệt. Hai nước cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác.
Theo Bloomberg, chính quyền Mỹ đã tìm cách gạt Trung Quốc ra bên lề kể từ khi bắt đầu xảy ra xung đột ở Ukraine, nhưng điều ngược lại dường như đã xảy ra. Trung Quốc đang tìm kiếm một đối tượng dễ tiếp nhận quan điểm của mình để thực hiện nỗ lực ngoại giao rộng lớn hơn trên toàn cầu.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ ngày 22/3, Thượng nghị sĩ Jeff Merkley đã yêu cầu Ngoại trưởng Antony Blinken nói về cuộc gặp của lãnh đạo Nga – Trung Quốc vừa rồi. Ông Blinken thừa nhận đó là cuộc gặp cho thấy Nga và Trung Quốc tiếp tục thực hiện cam kết “quan hệ đối tác không có giới hạn” mà hai quốc gia này đưa ra ngay trước cuộc xung đột Ukraine.
Ông Blinken nói: “Điều này không có gì ngạc nhiên. Cả hai quốc gia đều có thế giới quan rất khác so với thế giới quan của chúng ta. Họ có thể tìm thấy lý do chung trong việc phản đối thế giới quan của chúng ta”.
Theo ông Blinken, nhiều quốc gia bảo vệ và phát triển thế giới quan giống Mỹ, nhưng ông đã không đề cập đến những quốc gia đã từ chối chọn bên đứng bất chấp sự thúc giục của Mỹ.
Trung Quốc đã không coi trọng các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên các công ty Trung Quốc có quan hệ đối tác với Nga. Nước này vẫn mua dầu từ Iran bất chấp yêu cầu của phương Tây và hỗ trợ dàn xếp giảm căng thẳng ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran.
Các nền kinh tế lớn trên toàn cầu như Ấn Độ và Brazil cũng từ chối lựa chọn giữa Trung Quốc và phương Tây, cho biết họ không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Tất cả những điều trên đang diễn ra khi mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ hơn, nhất là sau sự cố khinh khí cầu gần đây.
Các quan chức Mỹ cho rằng những lời lẽ cảnh báo mạnh mẽ dành cho Trung Quốc đang có tác động. Họ nói những cảnh báo công khai của Mỹ rằng Trung Quốc có thể hỗ trợ sát thương cho Nga đã khiến chính phủ Trung Quốc phải suy nghĩ kỹ về việc này. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Ông Christopher K. Johnson, Chủ tịch China Strategies Group (một công ty tư vấn rủi ro chính trị), cho biết: “Chính quyền Mỹ đã cố gắng khiến Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng Ukraine theo các điều kiện của Mỹ, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đang hành động theo các điều kiện riêng. Và tôi nghĩ điều đó có lẽ đang gây ra một số lo lắng trong chính quyền Mỹ”.
Khi Mỹ liên tục có đường lối cứng rắn cứng rắn với Trung Quốc, một số nhà phân tích tin rằng Trung Quốc có thể sớm từ xây dựng bỏ mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ.
Bà Melanie Sisson, một thành viên chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, nhận định: “Trung Quốc càng thấy ít cơ hội hợp tác với Mỹ thì càng nhiều khả năng họ sẽ theo đuổi những con đường và lựa chọn khác”.