Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) tại Sentosa, Singapore ngày 12/6. Ảnh: EPA/TTXVN |
Nga sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên trong tiến trình phi hạt nhân hóa
Ngày 12/6, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Yuri Shvytkin cho biết nước này hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tuy nhiên, theo ông Shvytkin, một vòng đàm phán sẽ khó có thể dẫn đến những kết quả tích cực. Ông Shvytkin cũng khẳng định Nga sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên trong tiến trình phi hạt nhân hóa.
Trước đó cùng ngày, các bộ trưởng trong nội các Nhật Bản cũng bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ thành công, song cũng tỏ ra thận trọng khi vẫn chưa thể chắc chắn về sự nghiêm túc của Bình Nhưỡng trong vấn đề phi hạt nhân hóa.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng nhấn mạnh hội nghị lần này thành công mới chỉ là bước khởi đầu của "một tiến trình lâu dài" nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình lâu dài trên mảnh đất này.
Ông cho rằng vấn đề căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và vấn đề hạt nhân sẽ không thể được giải quyết chỉ thông qua một cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ- Triều Tiên mà đây sẽ là quá trình có thể kéo dài một năm, hai năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa.
Theo thông tin mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện đã kết thúc cuộc thảo luận mở rộng và bắt đầu bữa trưa làm việc tại Singapore.
Hướng tới hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên
Trong khi đó, Tân Hoa Xã ngày 12/6, cũng đăng bài bình luận nhận định hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra cùng ngày tại Singapore mang lại những hy vọng về một giải pháp chính trị đối với vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên cũng như nền hòa bình lâu dài trong khu vực.
Trong bài bình luận với tựa đề "Biến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên thành điểm khởi đầu cho bán đảo hòa bình và phi hạt nhân hóa", Tân Hoa Xã cho rằng với việc lần đầu tiên trong lịch sử Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, hội nghị đã tự mang ý nghĩa lịch sử và được mong đợi sẽ vạch ra một tiến trình phi hạt nhân hóa cũng như mở ra một chương mới hướng tới hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo bài bình luận, không ai có thể trông đợi hội nghị thượng đỉnh kéo dài nửa ngày này có thể dàn xếp mọi bất đồng cũng như xóa bỏ mọi sự ngờ vực sâu sắc giữa hai nước. Trong khi đó, con đường hướng tới mục tiêu một bán đảo phi hạt nhân hóa cũng như có được thịnh vượng và hòa bình khu vực có thể sẽ "gập ghềnh", đòi hỏi sự kiên nhẫn và khôn ngoan. Và bước đi đầu tiên luôn luôn là khó khăn nhất.
Vì vậy, để đảm bảo động lực tích cực, tất cả các bên liên quan cần duy trì hợp tác hướng tới một mục tiêu chung. Bài bình luận nhấn mạnh trong bối cảnh Bình Nhưỡng và Washington - hai nước đóng vai trò then chốt trong vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, đã đưa ra các quyết định táo bạo nhằm tổ chức hội nghị, cần duy trì đối thoại, còn các bên liên quan cần có những đóng góp cho tiến trình đối thoại này.
Bài bình luận cũng nhắc lại việc Triều Tiên gần đây đã tiến hành một số hành động thể hiện thiện chí chứng tỏ mong muốn mạnh mẽ của nước này nhằm đạt được phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên cũng như tập trung vào phát triển kinh tế. Theo đó, Bình Nhưỡng đã thực hiện cam kết vào cuối tháng 5 vừa qua, theo đó, đã phá bỏ bãi thử hạt nhân ngầm Punggye-ri - nơi nước này tiến hành toàn bộ 6 vụ thử hạt nhân trước đó. Các nhà báo từ Trung Quốc, Nga, Mỹ, Hàn Quốc và Anh cũng đã được mời đến chứng kiến sự việc.
Trước đó, cũng trong tháng 5, Tổng thống Trump đã cảm ơn nhà lãnh đạo Kim Jong-un vì đã thả 3 công dân Mỹ bị nước này giam giữ, đồng thời bày tỏ mong muốn biến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên thành "thời khắc rất đặc biệt cho hòa bình thế giới".
Theo bài bình luận, rõ ràng, mọi bất đồng sẽ không thể xóa bỏ trong "một sớm, một chiều" song điều này không có nghĩa là không thể giải quyết. Mỹ và Triều Tiên cần giải quyết các mối quan ngại của nhau, quản lý và giảm thiểu bất đồng cũng như tiến hành thêm các hành động nhằm tăng cường đối thoại và thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau.
Trong tiến trình này, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì nỗ lực và đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy một giải pháp hòa bình đối với vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Vấn đề cấp bách hiện nay là tất cả các bên liên quan cần nỗ lực hết sức nhằm có thể biến trạng thái "hòa giải" vốn rất mất nhiều công sức mới có thể đạt được này thành một nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.