Nga từng cảnh báo Mỹ về nghi phạm đánh bom Boston

Ngày 24/4, các quan chức Chính phủ Mỹ cho biết Nga đã hai lần liên hệ với Mỹ để cung cấp thông tin và cảnh báo về Tamerlan Tsarnaev, một trong hai đối tượng bị cáo buộc đứng sau vụ đánh bom tại cuộc đua maratông ở Boston làm 3 người thiệt mạng và hơn 260 người bị thương vừa qua. Tiết lộ trên đã làm dấy lên nghi vấn về hiệu quả công tác quản lý và chia sẻ thông tin của các cơ quan chức năng Mỹ.


Tamerlan Tsarnaev, một trong hai đối tượng bị cáo buộc đứng sau vụ đánh bom tại Boston. Ảnh: Internet.



Các quan chức giấu tên nêu rõ phía Nga đã liên hệ với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vào tháng 3/2011, cung cấp thông tin và bày tỏ quan ngại về đối tượng Tamerlan Tsarnaev. Tuy nhiên, sau một cuộc điều tra kéo dài 4 tháng, FBI đã thông báo với phía Nga rằng các điều tra viên không phát hiện bằng chứng cho thấy nhân vật này thuộc một tổ chức cực đoan nào.


Không thỏa mãn với kết luận trên, Nga tiếp tục liên lạc với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vào tháng 9/2011 với những thông tin tương tự. CIA sau đó đã yêu cầu đưa Tamerlan Tsarnaev vào Dữ liệu Thông tin nhận dạng khủng bố (TIDE) của Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ (NCC). Tuy nhiên, theo một quan chức tình báo, do Tsarnaev là công dân thường trú hợp pháp ở Mỹ nên CIA khi đó chỉ chia sẻ thông tin với các cơ quan chính phủ liên bang như Bộ An ninh Nội địa, Bộ Ngoại giao, NCC và FBI vì cho rằng các cơ quan trên có thể cần quan tâm đến nhân vật này. Được biết các dữ liệu Nga chia sẻ cho CIA "gần giống hệt" thông tin mà FBI nhận được hồi đầu năm 2011, gồm hai ngày sinh khác nhau, tên của Tsarnaev bằng tiếng Xlavơ và một số tên biến thể.


Theo tiết lộ cùng ngày của các điều tra viên, khi Tsarnaev bay sang vùng Dagestan và Chechnya của Nga hồi năm ngoái, hệ thống Dữ liệu Bảo vệ biên giới và hải quan Mỹ (TECS) đã gửi báo động tới Lực lượng Đặc nhiệm Phối hợp chống khủng bố trực thuộc FBI . Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ thông tin báo động này đã được cơ quan nào tiếp nhận và xử lý ra sao.


Trước đó, trong phiên điều trần về vấn đề nhập cư ngày 23/4, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Janet Napolitano cho biết bộ của bà có biết về chuyến đi của  Tamerlan Tsarnaev trong khi Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham khẳng định nguồn tin từ FBI cho hay cơ quan này không hề có thông tin về vụ việc này. Những tiết lộ trên cho thấy các cơ quan tình báo Mỹ có khá nhiều thông tin về Tamerlan Tsarnaev, bao gồm những thông tin báo động đáng ngại, tuy nhiên chưa thực sự "làm chủ" được những dữ liệu này, cả về công tác quản lý và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ.


Cũng trong ngày 24/4, phát biểu sau cuộc họp với các quan chức của Bộ An ninh Nội địa, FBI và NCC, đại diện Ủy ban Tình báo Hạ viện Dutch Ruppersberger cho biết các quả bom trong vụ tấn công ở Boston được kích nổ bằng một thiết bị điều khiển từ xa, loại điều khiển ở khoảng cách gần thường được sử dụng trong các xe ô tô đồ chơi trẻ em. Theo điều tra ban đầu, nghi can đánh bom sống sót Dzhokhar Tsarnaev đã cầm một chiếc điện thoại di động vài phút trước vụ nổ đầu tiên. Cũng theo ông Ruppersberger, thành phần thuốc nổ sử dụng trong bom được Tamerlan Tsarnaev mua từ một cửa hàng bán pháo hoa tại thành phố New Hamshire.




TTXVN/Tin tức


Kẻ đánh bom Boston từng trong danh sách khủng bố
Kẻ đánh bom Boston từng trong danh sách khủng bố

Một nguồn tin tham gia điều tra vụ đánh bom ở Boston (Mỹ) ngày 24/3 tiết lộ, nghi phạm thứ nhất trong vụ đánh bom Boston, Tamerlan Tsarnaev, từng nằm trong danh sách những đối tượng khủng bố “tiềm năng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN