Theo đài RT, Nga đã tạm dừng xuất khẩu gạo cho đến cuối năm nay để hỗ trợ thị trường nội địa.
“Chính phủ đã tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến. Hạn chế sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31/12/2023,” trang Telegram của chính phủ Nga đăng tuyên bố cho biết. “Quyết định được đưa ra để duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa.”
Lệnh cấm trên không áp dụng cho các thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) hoặc Nam Ossetia và Abkhazia.
Hơn nữa, gạo vẫn có thể được vận chuyển ra nước ngoài để viện trợ nhân đạo, hoặc quá cảnh qua lãnh thổ Nga.
Đầu tuần này, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã áp dụng một biện pháp tương tự, cấm bán gạo trắng không phải gạo basmati ra nước ngoài. New Delhi cho biết động thái này sẽ “đảm bảo có đủ hàng” và “làm dịu đà tăng giá ở thị trường nội địa”.
Nước Nga vốn nổi tiếng với lúa mì, nhưng gạo vẫn được trồng, chủ yếu ở các vùng phía tây nam nước này, gần biên giới với Azerbaijan, Georgia và Kazakhstan. Ngoài ra, có một phần sản lượng nhỏ ở miền đông nước Nga dọc biên giới với Trung Quốc và Triều Tiên. Khoảng 73% sản lượng gạo của Nga được trồng ở vùng Krasnodar.
Loại gạo chính được trồng ở Nga là gạo Nhật Japonica, một loại hạt tròn có thể dùng để làm sushi và có chất lượng tương đương với gạo hạt tròn của Ai Cập. Các giống khác được trồng ở Nga còn có gạo Osman, một loại ngũ cốc trung bình tương tự như Osmancik và Calrose của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo cập nhật từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng lúa gạo của Nga năm 2022 đạt 846.000 tấn, giảm 21% so với năm trước đó.
Do sự sụt giảm trong sản xuất và cũng như để trả đũa các biện pháp trừng phạt kinh tế, chính phủ Nga đã cấm xuất khẩu gạo từ ngày 1/7 đến ngày 1/12/2022. Lệnh cấm xuất được gia hạn thêm sáu tháng vào cuối năm ngoái và đã kết thúc vào ngày 30/6 vừa qua, trước khi được ban hành trở lại.
Mặc dù sự vắng mặt của Nga trên thị trường xuất khẩu gạo Japonica không gây ra quá nhiều lo ngại đối với những người mua loại gạo này, nhưng nó đã tạo ra những cơ hội mới cho các nhà xuất khẩu ngũ cốc. Tình trạng này có thể buộc người mua phải cân nhắc các nguồn nhâp khẩu khác, đặc biệt là Ấn Độ, Việt Nam và Myanmar - theo đánh giá của trang S&P Global.