Nga có trong tay bằng chứng binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đang hiện diện trên lãnh thổ Syria và Ankara đang “âm thầm” mở rộng chiếm đóng ở khu vực biên giới hai nước – Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền Ren-TV ngày 13/3. Bình luận của người đứng đầu ngành ngoại giao Nga là chỉ dấu mới nhất về đối đầu căng thẳng giữa Moskva và Ankara, sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga hôm 24/11/2015.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AFP/TTXVN |
“Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này có quyền chủ quyền thiết lập vùng an toàn trên lãnh thổ Syria. Theo những dữ liệu mà chúng tôi có được, quân Thổ Nhĩ Kỳ đã đột nhập sâu vào lãnh thổ Syria hàng trăm mét tính từ đường biên giới và gia cố các công trình quân sự ở đây… Đó là một hình thức bành trướng từng bước”, ông Lavrov nói. Ngoại trưởng Nga cũng cho biết thêm Moskva đang hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập đại diện lực lượng người Kurd tham gia tiến trình đàm phán hòa bình Syria, bất chấp phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ. Lý do là bởi “Chúng tôi tin rằng tiến trình (đàm phán) dự kiến sẽ khai màn ở Geneva, cần thiết phải có sự hiện diện của người Kurd, để bảo đảm rằng những cam kết về duy trì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ tại Syria là thực chất”.
Moskva và Ankara ở thế đối nghịch nhau trong suốt 5 năm qua liên quan đến khủng hoảng Syria. Quan hệ song phương đã rớt xuống mức đáy sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga hôm 24/11 – một hành động mà Tổng thống Vladimir Putin mô tả là “cú đâm sau lưng Nga” của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan không đưa ra lời xin lỗi, khẳng định máy bay Nga xâm phạm không phận và phớt lờ cảnh báo trước đó. Về phần mình, Nga khẳng định chiếc Su-24 bay trên không phận Syria tại thời điểm bị bắn hạ.
Ngoại trưởng Lavrov cũng nói rằng, Moskva sẵn lòng điều phối hành động cùng Mỹ ở Syria để có thể quét sạch khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi thành trì của chúng ở Raqqa. “Trong một số thời điểm, phía Mỹ gợi ý tiến hành ‘phân chia lao động’ theo hướng không quân Nga tập trung giải phóng Palmyra; còn liên quân do Mỹ đứng đầu với sự trợ giúp của Nga sẽ giải phóng Raqqa", ông Lavor nói.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Tổng thống Bashar al-Assad và các “đồng minh” (trong đó có Nga) không được lợi dụng lệnh ngừng bắn mong manh để thực hiện những ý định riêng. “Nếu chính quyền (Damascus) và những người hậu thuẫn tin là họ có thể kiểm nghiệm các đường biên giới, xóa bỏ cam kết tại một số khu vực nhất định hoặc là hành động theo cách thức đi ngược lại với thỏa thuận ngừng bắn mà không lo sợ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng nào thì thực sự họ đang nhầm lẫn”, ông Kerry tuyên bố sau các cuộc thảo luận với các đồng minh châu Âu ở Paris, Pháp hôm 13/3.
Ngoại trưởng Mỹ mô tả bình luận của đồng cấp người Syria Walid Muallem về “giới hạn đỏ” liên quan đến sự ra đi của ông Assad là để “phủ đầu” các đối tác nhằm hủy hoại đàm phán hòa bình. Ông nói rằng Damascus cần phải lưu ý một thực tế là cả Nga và Iran – những người “chống lưng” mẽ nhất cho chính quyền Tổng thống Assad, đều đã chấp thuận một giải pháp trong đó nhấn mạnh phải thực thi tiến trình chuyển tiếp chính trị và cùng lúc bầu cử Tổng thống. Trước đó, hôm 12/3, ông Muallem tuyên bố Syria sẽ không chấp nhận đối thoại về số phận của Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad tại cuộc đàm phán dự kiến diễn ra trong ngày hôm nay (14/3) và xem đây là “giới hạn đỏ”.