Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko ngày 22/5 đã đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở với lý do "Nga liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước".
Trao đổi với hãng thông tấn RIA Novosti, Thứ trưởng Grushko nêu rõ: "Chúng tôi cần một cách tiếp cận thực tế. Miễn là hiệp ước vẫn còn hiệu lực, chúng tôi vẫn sẽ tuân thủ đầy đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ được nêu trong hiệp ước".
Ông Grushko cũng cho biết Nga vẫn đang "hành động trên cơ sở tất cả các nước khác cũng sẽ hành xử tương tự", nhấn mạnh Moskva sẽ có "cách tiếp cận tận tâm đối với những nghĩa vụ của các bên tham gia hiệp ước này". Nhà ngoại giao Nga đồng thời chỉ trích việc Mỹ rút khỏi hiệp ước sẽ gây phương hại cho tình hình an ninh châu Âu, cũng như ảnh hưởng tới chính lợi ích của các nước đồng minh của Washington.
Hiệp ước Bầu trời mở được ký năm 1992 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002. Thỏa thuận cho phép các quốc gia tham gia (34 quốc gia) công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang của nhau cũng như các hoạt động quân sự của các nước thành viên, với mục đích tăng cường hiểu biết chung cũng như sự tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên.
Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy sự tham gia của Mỹ kể từ khi ông nhậm chức tháng 1/2017. Trước đó, ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký năm 2015 giữa nhóm P5+1 với Iran, và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1988.
Trong tất cả các trường hợp, ông Trump cáo buộc bên còn lại vi phạm các quy định của thỏa thuận. Ngoài ra, ông cũng để ngỏ khả năng chấm dứt một thỏa thuận khác là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược mới (New START) ký kết với Nga năm 2010 và cần được gia hạn vào đầu năm 2021.