Moskva có thể khôi phục dự án cũ để sử dụng các tên lửa tầm trung
Trả lời phỏng vấn kênh Rossiya 1, bà Zakharova nói: "Nếu phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng đưa ra quyết định cuối cùng và rút lui khỏi hiệp ước INF, Moskva có quyền đưa ra phản ứng thích hợp cùng các biện pháp đáp trả và dĩ nhiên chúng tôi sẽ làm như vậy".
Cùng ngày, thành viên Ủy ban an ninh-quốc phòng của Thượng viện Nga, ông Frants Klintsevich cho biết Moskva có thể khôi phục những dự án cũ để sử dụng các loại tên lửa tầm trung, sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
Phát biểu sau khi Mỹ tuyên bố tạm ngừng tham gia hiệp ước INF, ông Klintsevich nói:"Kể từ thời Liên Xô, Nga đã có nhiều dự án liên quan đến việc sử dụng tên lửa tầm trung và tầm ngắn mà không cần phải đầu tư quá nhiều. Dường như chúng tôi sẽ phải khôi phục những dự án này, đồng thời tăng cường công tác hiện đại hóa".
Ông Klintsevich cũng khẳng định Nga sẽ không phá hủy tên lửa 9M729 bởi các hệ thống này không hề vi phạm hiệp ước INF.
Ngày 1/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) sẽ là một đòn giáng mạnh vào hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế và ngăn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia 24 TV, ông Ryabkov nhận định đây là một bước đi nghiêm trọng khi giải thoát cho Washington khỏi những hạn chế hoạt động liên quan đến hiệp ước.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Thượng nghị sĩ Nga Oleg Morozov nhận định việc Mỹ quyết định tạm ngừng tham gia INF sẽ đe dọa trực tiếp an ninh của Nga, bởi Washington sẽ triển khai các loại tên lửa tại châu Âu. Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti, ông Morozov nhấn mạnh: “Động thái rút khỏi INF của Washington đe dọa tới toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế và Nga sẽ bị đe dọa trước tiên, bởi sau khi rời khỏi INF, Mỹ sẽ triển khai các loại tên lửa này ở một số nước châu Âu”.
Theo ông Morozov, Nga đã sẵn sàng cho các mối đe dọa mới và Moskva đang sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại để có thể đáp trả các mối đe dọa này. Moskva hiện đang phối hợp chặt chẽ và thuyết phục các đối tác châu Âu không cho Mỹ triển khai tên lửa. Thượng nghị sĩ Morozov cũng cho rằng Mỹ sẽ triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung không chỉ tại châu Âu, mà còn tại Nhật Bản cũng như khu vực Trung Đông.
Tình hình an ninh suy yếu nếu không có INF
Liên quan đến vấn đề này, trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đánh giá Nga vẫn chưa sẵn sàng để khôi phục lòng tin về INF, sau khi Mỹ tuyên bố đình chỉ việc tuân thủ hiệp ước này. Theo ông Maas, tình hình an ninh sẽ bị suy yếu nếu như không có INF.
Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày thông báo Mỹ sẽ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Ông nhấn mạnh tiến trình này sẽ được hoàn tất trong 6 tháng trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước với việc phá hủy toàn bộ các tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ chính thức thông báo cho Nga bằng văn bản vào ngày 2/2 về ý định rút khỏi INF. Quan chức này nêu rõ Mỹ cũng đã bắt đầu tiến trình xem xét về việc liệu có nên gia hạn hiệp ước hạt nhân New START với Nga khi hiệp ước này hết hạn vào tháng 2/2021 hay không.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729”. Đến tháng 12/2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước định này, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày - tức thời hạn chót là 2/2 tới. Tuy nhiên, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729", đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF.