Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters |
Thông báo nêu rõ Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã có cuộc gặp với người đồng cấp Iran Abbas Araghchi tại thủ đô Tehran của Iran. Tại cuộc gặp, hai bên đã nhất trí duy trì phối hợp chặt chẽ trong vấn đề này.
Trước đó, cùng ngày, Thứ trưởng Ryabkov kêu gọi các đối tác châu Âu cùng nhau nỗ lực duy trì thỏa thuận.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã kêu gọi các nước còn lại trong thỏa thuận có các bước đi giúp giữ gìn văn kiện có vai trò quan trọng với sự ổn định khu vực này. Ông Lavrov đã có cuộc gặp người đồng cấp Đức Heiko Maas tại Moskva, trong đó hai bên đã nhất trí rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran cần được duy trì.
Cùng ngày, nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nhà lãnh đạo nước này đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Trong cuộc điện đàm, ông Erdogan khẳng định mong muốn thỏa thuận JCPOA được duy trì, đồng thời cho rằng quyết định rút khỏi thỏa thuận này của Mỹ là sai lầm.
Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Mỹ. Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat cho rằng động thái này đã làm leo thang căng thẳng tại khu vực và làm suy yếu lòng tin về uy tín của các cam kết quốc tế. Ông Faki Mahamatnhấn mạnh rằng IAEA đã nhiều lần xác nhận việc Iran tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của thỏa thuận vốn được Hội đồng Bảo Liên hợp quốc thông qua. Do đó, quan chức này kêu gọi các bên tham gia chứng minh những cam kết trước đó và cứu lấy thỏa thuận này.
Trong bài phát biểu vào chiều 8/5 (rạng sáng 9/5 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận JCPOA. Việc Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đã vấp phải sự phản đối của Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nga, Pháp, Đức và Anh. Bất chấp quyết định của Washington, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố vẫn kiên trì với thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời đảm bảo rằng Tehran sẽ không phải đối mặt với bất kỳ lệnh trừng phạt nào của EU, vốn đã được dỡ bỏ theo quy định của thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015.